Đừng cứa dao vào lòng con trẻ những lời nói 'sát thương'

GD&TĐ - Nếu như bạo lực thể chất gây ra đau đớn cơ thể thì bạo lực ngôn từ lại gây ảnh hưởng tới tâm lý và nguy hiểm hơn, thường diễn ra công khai.

Trẻ có thể gặp bạo lực ngôn từ ở bất kỳ đâu. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể gặp bạo lực ngôn từ ở bất kỳ đâu. Ảnh minh họa.

>>> Bạo lực ngôn từ với trẻ gây ‘sát thương' hơn cả đòn roi

Nhiều người cho rằng, “lời nói gió bay” nhưng lại là con dao gây tổn thương cho bất kỳ ai, nhất là con trẻ.

Bạo lực không hẳn là lên cao giọng!

Chuyên gia tâm lý, TS Trần Thu Hương cho biết, trẻ em thường chịu ảnh hưởng của bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục. Còn bạo lực ngôn từ được xếp vào bạo lực tinh thần lại được ẩn giấu khá tinh vi.

Cha mẹ thường cho rằng mình có quyền nói những lời mang tính sát thương và nghĩ “yêu cho roi cho vọt” hoặc nói nặng con mới nghe theo. Thế nhưng, điều này đều không nên dùng trong mọi hoàn cảnh.

Theo TS Trần Thu Hương, bạo lực ngôn từ là dùng lời nói để hăm dọa, ép buộc, o bế… trẻ em phải phục tùng theo ý chí, mong muốn của mình; dùng ngôn ngữ để kiểm soát tâm lý, tấn công người khác gây hậu quả nghiêm trọng khiến đối phương phải chịu ảnh hưởng lớn.

Bạo lực vốn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm. Thực tế, đôi khi đứa trẻ làm trái ý của cha mẹ chưa hẳn là chúng hư, không quan tâm lời nói của người lớn. Thế nhưng không phải ai cũng giữ được cảm xúc bình tĩnh nếu con không làm theo ý mình và khi cáu giận sẽ thường dùng ngôn ngữ để giải tỏa với con mà không cần nghe giải thích.

“Chúng ta phải rõ ràng, mạch lạc rằng cha mẹ không thể bạo lực ngôn ngữ để đặt trẻ làm theo kỳ vọng của mình và bao biện rằng mình làm thế là tốt cho con, là đúng với con”, TS Trần Thu Hương nêu quan điểm.

Chuyên gia tâm lý này cũng khuyên rằng, cha mẹ cần có những mong muốn phù hợp với con, tránh tấn công cảm xúc của trẻ.

Lưu ý rằng, bạo lực ngôn ngữ không chỉ là cao giọng, la hét, mắng mỏ, tỏ ra rất kinh khủng ở độ cao của giọng…, mà bạo lực còn là những lời nói nặng nề, miệt thị, so sánh. Đó là những câu như “tại sao tao là người thế này lại sinh ra đứa như mày”.

Khi dùng đại từ nhân xưng tương tác với trẻ mang tính khó nghe như mày - tao cũng là một dạng của bạo lực ngôn từ. Hoặc đanh thép nói rằng “mẹ muốn con phải làm thế này”… Nhiều đứa trẻ cũng không nhận ra đó là bạo lực, chúng hiểu rằng, câu nói không cần quá to nhưng cũng đủ gây sức ép khiến bản thân chúng phải tuân theo.

“Với những lời nói mang tính chỉ thị như “mẹ muốn”, “mẹ cần”, cha mẹ hãy suy xét xem con cái mình có đủ tố chất để “phải”, “cần”, “nên” giống như mình đang yêu cầu hay không, từ đó có những điều chỉnh trạng thái và kỳ vọng cho phù hợp.

Bố mẹ có quyền cùng con xây dựng ước mơ nhưng phải theo khả năng của con. Đó là điều trẻ muốn chứ không phải là điều chúng ta muốn. Do vậy, người lớn hãy là người cố vấn, mà muốn làm tốt cần có sự tôn trọng”, TS Trần Thu Hương nhấn mạnh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trẻ có thể bị bạo lực ngôn từ ở bất cứ đâu

Đứa trẻ bị tổn thương do bạo lực ngôn từ sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Nhiều người cho rằng, đây là hành vi gây hậu quả nhẹ nhất. Nhưng thực tế không phải vậy, bởi ở mức độ nào đó đều gây hậu quả như nhau.

Thông thường mọi người chỉ để ý đến bạo lực về thể xác khi trẻ bị bạo hành, bị đánh chứ không nghĩ đến bạo hành cảm xúc bằng ngôn từ. Không chỉ trong gia đình, trẻ có thể bị bạo hành ngôn từ ở bất kỳ đâu, kể cả trường học.

Một số thầy, cô giáo không kiềm chế cảm xúc sẽ rất bực tức mà mắng mỏ nếu học sinh mắc lỗi nhiều lần. Lúc này, nhiều học sinh khác nhìn thấy, nghe thấy có thể tự cho mình “quyền” được làm thế với bạn của mình.

“Không hiếm trường hợp học sinh bị giáo viên mắng sẽ được các em khác “nhại” lời thầy cô mà mắng lại bạn mình”, TS Hương nhận định.

Đặc biệt, có những trường hợp hay bị đem ra so sánh. Người lớn cũng không muốn có sự so sánh thì tâm hồn non nớt của trẻ càng không muốn. Ví dụ như “cô nhắc cả lớp, bạn nào cũng mang theo mà chỉ có mình em không mang”; “cùng học thầy cô mà sao bạn giỏi thế, chăm thế, còn em thì…”.

Sự so sánh tưởng chừng mang lại áp lực khiến các em nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nhưng mọi hoàn cảnh đều có tác dụng ngược. Bởi ngay cả anh chị em trong gia đình, trẻ cũng không muốn bị so sánh với nhau. Những câu nói đơn giản vô tình dán nhãn về “sự kém cỏi” khiến con rất tự ti.

Theo TS Trần Thu Hương, thầy cô, cha mẹ có quyền thất vọng vì một ai đó, một điều gì đó khiến bản thân bùng nổ cảm xúc. Khi đó, cần thông báo cho trẻ rằng mình đang cảm thấy như thế nào, chỉ một chút nữa là sẽ không chịu đựng được. Đây là cách để ứng phó với cơn nóng giận bởi không phải ai cũng có thể giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Còn khi kích thích về mặt cảm xúc mà cảm thấy đang hơi quá thì nên dùng cách cảnh báo cho trẻ và kêu gọi con phối hợp với các thông điệp mà mình mong muốn.

Ngược lại, các bạn trẻ cũng hãy học cách thông cảm với người lớn bởi có nhiều trọng trách, áp lực cuộc sống, công việc khó tránh được sự bùng nổ cảm xúc. Mặc dù vậy, đó không phải là sự bao biện. Bởi có nhiều cách để giải tỏa thay vì gây tổn thương cảm xúc bằng ngôn ngữ.

“Đôi khi trẻ vô tâm chỉ đòi hỏi mà quên đi rằng trẻ cũng cần có trách nhiệm xoa dịu cảm xúc nhưng sự hiểu biết và kinh nghiệm non nớt nên cha mẹ cần hi sinh nhiều hơn, hướng dẫn nhiều hơn. Còn khi mất bình tĩnh đôi khi chính chúng ta là người tổn thương trước. Do đó, hãy nhớ rằng trong mọi bối cảnh, việc tấn công cảm xúc người khác là không phù hợp”, TS Hương nhấn mạnh.

Một nghiên cứu của UNICEF cho thấy, 50% trẻ em trên thế giới là nạn nhân của bạo lực trong đó có bạo lực ngôn từ. Không chỉ là trong gia đình mà ngay cả trường học cũng có sự xuất hiện của bạo lực ngôn từ. Khi không kiểm soát được thì người lớn rất dễ tấn công trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ