Dừng Chương trình tín dụng mua thiết bị học trực tuyến: Bâng khuâng, tiếc nuối

GD&TĐ - Chính phủ sẽ dừng Chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Giờ Tin học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC
Giờ Tin học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Trước thông tin này, nhiều học sinh sinh viên (HSSV) và các chuyên gia đề xuất, Chính phủ nên thay thế bằng chính sách tương tự hoặc thay đổi phương thức, mục tiêu của chương trình trên.

Giấc mơ dang dở

Ngày 4/4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về “Tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến” (Quyết định 09). Theo Quyết định này, mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay là 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Tuy nhiên, ngày 20/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 195/NQ-CP về việc dừng chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định 09. Nhiều HSSV tiếc nuối trước thông tin này.

Thuộc hộ cận nghèo, Nguyễn Thị Thu Hương – học sinh Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội) cần máy tính để học tập. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên nữ sinh chưa đủ điều kiện mua thiết bị. Thu Hương kể, dù đại dịch Covid-19 đã qua, nhưng trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục, máy tính vẫn cần thiết với học sinh.

“Chúng em cần tra cứu tài liệu học tập, tham gia các buổi học phụ đạo bằng hình thức online… Mấy hôm trước, em có bàn với mẹ vay vốn “gói tín dụng” dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính. Tuy nhiên, em tiếc vì gói tín dụng này đã dừng lại. Điều này đồng nghĩa, ước mơ có chiếc máy tính để học xa tầm tay với em”, Thu Hương bộc bạch và mong muốn, Nhà nước có hình thức khác để hỗ trợ HSSV hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua sắm thiết bị học tập trực tuyến.

Hiện vấn đề trang bị máy tính để học tập trực tuyến không còn bức thiết như giai đoạn dịch bệnh diễn phức tạp, song bước vào môi trường đại học, Vàng A Thanh – sinh viên năm thứ nhất khoa Nông học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận thấy cần thiết bị để học tập online.

Theo Vàng A Thanh, với sinh viên, nhu cầu tự học lớn. Sinh viên có thể học nhóm, tự tìm lớp học trực tuyến và tra cứu tài liệu. “Muốn vậy, chúng em phải có thiết bị để học tập. Song, không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện để mua máy tính lên đến 10 triệu đồng/chiếc, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn thuộc vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số như em”, Vàng A Thanh trải lòng.

Dạy trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh minh họa: INT

Dạy trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh minh họa: INT

Tiếp sức học trò nghèo

Từ thực tế nêu trên, Vàng A Thanh mong Chính phủ nên duy trì chương trình tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn để mua thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến như: Máy tính để bàn, xách tay, máy tính bảng. Nếu bắt buộc phải dừng chính sách trên thì có thể chuyển sang hình thức khác, hoặc bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện như: Yêu cầu về kết quả học tập, rèn luyện… Mục đích để hỗ trợ HSSV có thiết bị, điều kiện học tập tốt nhất.

Tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), 100% các trường đã ổn định dạy – học trực tiếp. Trưởng phòng GD&ĐT Huỳnh Văn Gắt cho hay, thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết học sinh là con em gia đình khó khăn trên địa bàn huyện được hỗ trợ, trao tặng máy tính bảng, điện thoại thông minh… nhưng chưa có máy tính để bàn, laptop. Vì thế, Chính phủ nên tiếp tục duy trì chương trình tín dụng đối với HSSV hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Ông Huỳnh Văn Gắt nhìn nhận, dù không phổ biến, là nhu cầu bức thiết, nhưng xét trên bình diện chung và ở phạm vi toàn quốc thì cần có chính sách tương tự như Quyết định 09 dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong học tập. Qua đó, tiếp sức và nâng bước chân đến trường cho các em, nhất là trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục.

Giống như Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Quyết định 09 là chính sách nhân văn cần được lan tỏa sâu rộng, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhìn nhận. Ở thời điểm “căng thẳng” của dịch bệnh Covid-19, Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Quyết định 09 có thể đã hoàn thành sứ mệnh.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, chuyển đổi số thì các chương trình nêu trên vẫn cần tiếp nối, có thể giữ nguyên hoặc thay đổi hình thức, phương pháp thực hiện, nhưng mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ người học”, bà Tăng Thị Ngọc Mai đề xuất.

Theo đó, các cơ quan hữu quan như: Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, nghiên cứu tác động của chính sách để đề xuất phương án trình Chính phủ chuyển đổi mục tiêu của chính sách.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh phân tích, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Với định hướng này, một trong những điều kiện tiên quyết là cơ sở hạ tầng và thiết bị dạy – học. Với HSSV, điều kiện tối thiểu cần có là thiết bị để học tập trực tuyến như: Máy tính, điện thoại thông minh…

Tuy nhiên, với HSSV hoàn cảnh khó khăn, để có thiết bị này là một giấc mơ. Việc các em đến trường học tập là sự nỗ lực lớn của bản thân, gia đình cùng hỗ trợ của nhà trường, xã hội. Do đó, rất cần chung tay, hỗ trợ thông qua những chính sách của Nhà nước, để “giấc mơ máy tính” của HSSV nghèo thành hiện thực. “Đó cũng là cách để chúng ta tiếp sức cho công cuộc chuyển đổi số giáo dục”, bà Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, chuyển đổi số đã, đang và sẽ là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở giáo dục, đào tạo. Muốn vậy, cần có giải pháp tổng thể, bền vững. Với quan điểm, không để ai bị bỏ lại phía sau, việc có chính sách tương tự như Quyết định 09 để hỗ trợ cho HSSV nghèo là cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.

Minh họa/INT

'Cuộc chiến' chủ quyền

GD&TĐ - Dẫn nguồn thạo tin, truyền thông Canada cho hay, nước này có thể áp đặt các biện pháp thuế đáp trả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt “thường xuyên chạm vào” xung quanh nhà. (Ảnh: ITN)

Mẹo dễ dàng làm sạch nhà trước Tết

GD&TĐ - Nghỉ Tết, bạn sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà, vì vậy không có gì quan trọng hơn việc bắt đầu làm sạch kỹ càng không gian sống của mình.