Theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục, trường tiểu học tư thục phải dừng hoạt động ít nhất 1 tháng, có trường dừng việc dạy học tới 10 tháng. Việc Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình tín dụng kịp thới, giúp các cơ sở giáo dục vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, có ý nghĩa nhân văn lớn.
Số liệu thống kê cho thấy, ngành Giáo dục có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 ngàn cơ sở Giáo dục mầm non (GDMN) độc lập được thụ hưởng chính sách này. Tổng số vốn vay dự kiến cho vay là 1.400 tỷ đồng. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có nhu cầu vay vốn, nộp hồ sơ tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đăng ký thành lập.
Thứ trưởng Ngộ Thị Minh nhấn mạnh: Đây là chính sách rất cần thiết và kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở GDMN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, giúp các cơ sở GDMN khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch Covid-19, góp phần bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Để chính sách sớm đi vào thực tiễn, kịp thời giải quyết khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, ngày 11/5/2022 Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1964/BGDĐT-GDMN chỉ các sở GD&ĐT địa phương triển khai ngày các giải pháp như:
Tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền phổ biến và triển khai chính sách về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg.
Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương rà soát tình trạng các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập (cơ sở giáo dục ngoài công lập) đang gặp khó khăn để hướng dẫn, phổ biến điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện, mục đích sử dụng vốn, sớm tiếp cận nguồn vốn vay, khôi phục, duy trì hoạt động, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh.
Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các phòng giáo dục-đào tạo trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi nhất và kịp thời tháo gỡ khó khăn (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn theo quy định.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng CSXH tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểu của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Trong đó đối tượng vay vốn gồm: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Nâng mức vay vốn cho HSSV từ 2,5 triệu lên 4 triệu đồng/HSSV/tháng.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng CSXH tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến
Đối tượng vay vốn bao gồm:
Học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là học sinh);
Học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức. Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên.
Kết quả cho vay đến 7/5/2022 NHCSXH đã cho vay được 90 cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập với số tiền 7,6 tỷ đồng.
Đối với Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểu của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên
Tổng doanh số cho vay từ khi thực hiện chương trình đến ngày 30/4/2022 đạt 68.663 tỷ đồng, Tổng doanh số thu nợ đạt 58.635 tỷ đồng, Dư nợ đến ngày 30/4/2022 là 10.158 tỷ đồng, với trên 285 ngàn hộ gia đình còn dư nợ (vay vốn cho trên 312 ngàn HSSV), trong đó nợ quá hạn 104 tỷ đồng, chiếm 1%/tổng dư nợ.
Kể từ khi thực hiện, chương trình đã giúp cho hơn 3,6 triệu lượt HSSV được vay vốn, được tham gia học tập, được đào tạo giáo dục đại học, cao đẳng và nghề nghiệp, có được việc làm tốt hơn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đối với Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến
Tổng nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập tối đa là 3.000 tỷ đồng.
Tính đến 17/5/2022 chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến đã có dư nợ 155 tỷ đồng với trên 14.500 hộ tương đương 15.560 HSSV được vay vốn.
Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh gửi lời càm ơn tới sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, và Ngân hàng Chính sách xã hội để chính sách sớm được ban hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đang phải đối mặt nguy cơ giải thể; tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.