Đừng biến trẻ thành những kẻ vô dụng

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cuộc sống đầy đủ nên không nhất thiết phải dạy trẻ biết lao động từ sớm. Đừng biến con trẻ thành những kẻ vô dụng trong tương lai khi không biết trân trọng thành quả lao động từ nhỏ.

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

Trẻ lười vì được nuông chiều

Dù đã học cấp hai nhưng Hằng, con gái chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không biết làm việc nhà. Mỗi lần mẹ nhờ làm gì đó, Hằng cũng kiếm cớ để từ chối, hoặc không chịu làm. Có lần, chị Hoa bảo con gái dọn phòng riêng của mình, nhưng Hằng cứ ngồi trong phòng cả buổi mà không làm, khiến chị vô cùng bực bội. Bị mẹ mắng, Hằng chỉ nói: Con bận học bài.

Từ ngày con gái còn rất nhỏ, nhà đã có bác giúp việc lo tất các việc vặt nên con bé không phải động tay vào việc gì. Hằng học đủ môn từ bé, 3 tuổi đã được mẹ cho đi học tiếng Anh, vẽ; 4 tuổi đi học múa, đàn, lớp người mẫu. Lên cấp 1, Hằng học suốt cả tuần. Cứ như vậy, Hằng được chăm sóc, và chỉ tập trung học tập, chưa bao giờ biết làm việc gì.

Hai năm nay, công ty chồng chị phá sản, nợ nần nhiều, chị không thuê giúp việc nữa. Lúc này, mọi việc ở nhà đều đến tay chị. Đi làm cả ngày, về thấy nhà cửa bề bộn, mà con gái đã lớn tướng vẫn không biết cầm chổi dọn nhà, hay nấu cho mẹ bữa cơm… khiến chị rất phiền lòng. Có hôm, buổi trưa, chị vẫn phải tất tả chạy về nhà nấu cơm cho con gái rồi đi làm tiếp. Chị thở dài: “Cũng do chị quá nuông chiều con từ bé”.

Lý do mà Tuấn Anh nằng năc đòi về nước sau khi vừa sang nước ngoài du học được nửa năm là do… không hòa nhập được môi trường mới. Tuấn Anh là con trai duy nhất của chị HảiMinh (Đông Anh, Hà Nội), nên từ nhỏ, vợ chồng chị đã nuông chiều, chăm bẵm rất cẩn thận. Tuấn Anh không phải làm bất cứ việc gì ngoài ăn với học. Chính vì vậy, khi đi du học, Tuấn Anh mới gặp sự cố khi không biết làm bất cứ việc gì, kể cả kỹ năng chăm sóc bản thân. Các bạn nước ngoài sắp xếp việc học, tranh thủ đi làm thêm, còn Tuấn Anh thì chật vật mãi còn chưa lo nổi cho bản thân mình... 

Ảnh minh họa: IT
    Ảnh minh họa: IT

Nuôi dưỡng tình yêu lao động

Theo chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), tâm lý của không ít các gia đình là chiều chuộng, luôn muốn làm thay nói đỡ cho trẻ. Vì thế, trẻ kém kĩ năng hơn xưa rất nhiều. Nhưng một điều tai hại nữa là, đó chính là ngyên nhân khiến trẻ rất coi thường các công việc và coi thường sức lao động của người khác.

Đặc biệt, các gia đình có người giúp việc, trẻ thường coi những công việc hàng ngày là loại công việc hạ đẳng, các con là những người cao quý nên không làm các công việc đó. Có trẻ khi được giao việc, đã quắc mắt lên với thầy cô giáo và gào lên: Con mà phải làm mấy việc đó à. Điều này có thể thấy rõ hệ quả là trẻ rất coi thường giá trị của lao động, của các công việc hàng ngày. Có rất nhiều bạn trẻ ra trường nhưng không chịu xin việc làm, chỉ ở nhà nằm chơi vì tự thấy các công việc đều quá tầm thường, không xứng với mình. Từ đó, con tự mình dần dần biến thành kẻ vô dụng.

“Kĩ năng là 1 trong 3 mục tiêu giáo dục. Khi trẻ không được chú tâm rèn luyện mục tiêu kĩ năng thì có rất nhiều các hậu quả xảy ra. Riêng về việc coi thường lao động, trẻ sẽ dễ lười biếng, ỉ lại. Chưa kể các con sẽ có thái độ coi thường những người lao động tay chân, coi thường công sức lao động, những giọt mồ hôi của người khác. Tôi nhớ có lần, khi 1 giáo viên kêu nghề giáo vất vả thì họ đã nhận được những lời lẽ xúc phạm kiểu: Ai bảo chọn nghề giáo. Điều này cũng xảy ra với các ngành nghề vất vả khác như nghề vệ sinh môi trường, xây dựng... Rõ ràng, thái độ miệt thị nghề nghiệp kiểu này sẽ khiến trẻ tự đóng hẹp các cánh cửa tương lai của mình, hoặc trẻ sẽ gây ra bất đồng, bất ổn trong cuộc sống của chính mình” – TS Vũ Thu Hương lo ngại.

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, lao động luôn là cách tốt nhất để rèn đạo đức cho 1 con người, do đó, cha mẹ hãy cho con tập làm các công việc tự chăm sóc bản thân cho đến các công việc nhà, quản lý gia đình, sắp xếp mọi thứ trong gia đình là điều đầu tiên mà bố mẹ có thể dạy con. Phạt khi con có những hành vi thiếu tôn trọng ai đó, đặc biệt là phạt nặng khi con thiếu tôn trọng những người làm công việc tay chân cũng là điều nên làm để con tôn trọng người khác, tôn trọng nghề nghiệp của mọi người. Đặc biệt, bố mẹ cũng cần cẩn trọng trong khi đánh giá ai đó. Nếu cha mẹ thiếu tôn trọng người làm việc chân tay, con sẽ học ngay và điều đó sẽ rất có hại cho con.

Còn chuyên gia tư vấn Nguyễn Minh Hương, Trung tâm tư vấn tâm lý Mai Chi cho rằng, đối với những người yêu thích lao động từ nhỏ, cuộc sống sau này sẽ tốt hơn, trong công việc cũng có thể thành công dễ dàng hơn. Hơn nữa, lao động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Qua đó, trẻ có thể hình thành thế giới quan, có khả năng tự rút kinh nghiệm, có khả năng lựa chọn phương pháp làm việc hiệu quả nhất, trẻ biết cân đối, sắp xếp thời gian dẫn đến yêu quý thời gian. “Với những việc làm cụ thể, cha mẹ có thể giúp con trở thành một đứa trẻ yêu thích lao động. Cha mẹ hãy làm gương, làm mẫu cho con, có hướng dẫn bằng hình ảnh minh họa để con luôn hứng thú. Giai đoạn từ 2 – 3 tuổi là giai đoạn tuyệt vời để bạn dạy con yêu lao động và tôn trọng sức lao động. Cha mẹ hướng dẫn và tạo cho con thói quen tự giác lao động (việc nhỏ) như tự cất đồ chơi, gấp quần áo, để đồ dùng đúng nơi quy định... Qua một vài việc nhỏ, cha mẹ cho con biết con có thể tự làm rất tốt việc đó và không phải chỉ ngồi đó và nhận kết quả của người khác làm” - Chuyên gia tư vấn Minh Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.