Trước đó, sau khi nghe người dân phản ánh nước biển vùng Bình Thuận có màu cà phê “nhưng không mùi”, cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy mẫu mang đi phân tích để truy tìm thủ phạm.
Tuy nhiên, “một mất mười ngờ”, thật khó để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Trước đây, thi thoảng vùng biển này cũng xuất hiện nước biển có màu xanh thẫm. Nhưng đó là dấu hiệu của rong tảo bị chết. Còn nước biển chuyển màu cà phê thì chưa thấy bao giờ.
Cũng có “thuyết âm mưu” cho rằng, nhiều khả năng nước thải của Nhà máy thép Hòa Phát xả ra. Xung quanh vùng này, nhiều cây keo và một số cây lâu năm khác cũng xuất hiện tình trạng rụng lá, cây chết khô dần.
Vì thế, bao mối nghi ngờ đều đổ dồn cho Nhà máy thép Hòa Phát. Thậm chí, có một kỹ sư khá uy tín của Quảng Ngãi cũng đã từng viết trên Facebook của mình rằng: Nhà máy thép cần trả lời trước công luận về một số câu hỏi liên quan đến máy móc thiết bị và phương pháp xử lý ô nhiễm trong quá trình luyện thép.
Điều đáng ghi nhận là, lãnh đạo Nhà máy thép đã có câu trả lời cho thắc mắc trên. Vì vậy, việc Nhà máy thép Hòa Phát có gây ô nhiễm hay không thì còn cần phải có câu trả lời thận trọng từ cơ quan chuyên môn cao nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, việc công khai trả lời những ngờ vực của người dân như thế là rất cần thiết và nên làm. Chúng ta cần có một môi trường thông tin “trong lành” thì mới mong có các loại “môi trường” khác không bị ô nhiễm.
Trở lại với câu chuyện nước biển mang màu cà phê. Lãnh đạo Hào Hưng thừa nhận rằng, màu cà phê ấy chính là nước từ bãi tập kết nguyên liệu gỗ dăm của họ. Thực ra, không thừa nhận cũng không xong với dân vì họ đã quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng cả rồi.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về nguyên nhân nước biển có màu cà phê thì lãnh đạo Công ty Hào Hưng cho rằng do mưa lũ quá lớn, ảnh hưởng từ bão số 5 vừa qua nên mới có hiện tượng “nước cà phê tràn ra biển”.
Nên nhớ, bão số 5 tháng 11/2019 cũng chỉ là vô số những cơn bão đã từng thổi qua Quảng Ngãi. Đây không phải cơn bão đầu tiên kể từ khi bãi gỗ dăm của Hào Hưng tập kết ở cảng biển này. Nhưng dù bất cứ lý do gì, thì việc gây ô nhiễm cho cả một vùng bờ biển trải dài hơn 2 cây số như thế thì cũng không thể chấp nhận được.
Sự xuất hiện của “màu cà phê” cũng đồng nghĩa với việc du khách sẽ quay lưng với vùng biển ấy. Đó là chưa kể, việc ô nhiễm từ dăm gỗ sẽ tác động xấu đến hệ sinh vật biển vốn là nguồn sinh kế của hàng nghìn gia đình tại đây.
Đã đến lúc không thể đổ thừa cho các lý do khi doanh nghiệp trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Cần phải trả lại sự trong lành cho người dân vùng biển ấy.