Ngày hôm nay, khắp mạng xã hội lan truyền một hình ảnh vô cùng đẹp của 2 chiến sỹ công an. Theo đó, một bé gái tiểu học bị tuột xích xe và 2 chiến sĩ đã dừng lại, tươi cười giúp đỡ bé. Hình ảnh này nhanh chóng nhận được cơn mưa ngợi khen từ cộng đồng mạng.
"Cám ơn các chú công an".
"Nụ cười của chú công an đáng yêu quá".
"Một hình ảnh quá đẹp".
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, nhiều người nhắc lại những quan điểm dạy con sai lầm của không ít bậc phụ huynh về hình ảnh của các chiến sỹ công an.
Theo đó, mỗi khi trẻ nhỏ không vâng lời hay có hành vi hư đốn, nhiều bố mẹ thường có câu dọa rất kinh điển: "Không ngoan mẹ gọi công an đến bắt bỏ tù bây giờ".
Dần dần, trong tâm lý trẻ hình thành nên tư tưởng tất cả các chú công an đều xấu và đáng sợ. Đi đường gặp công an, trẻ sợ tái mặt và quay đầu chạy.
Nhiều trẻ không chỉ sợ hãi mà còn nảy sinh tâm lý căm ghét với những người mang sắc phục và gọi họ bằng những từ ngữ khiếm nhã.
Có thể nói, nhiều phụ huynh đang có cách dạy con rất sai lầm. Lực lượng công an, quân đội là những người giữ gìn hòa bình, trị an của xã hội. Đây là những người đáng tin tưởng nhất. Lẽ ra, bố mẹ không nên gieo rắc vào đầu con trẻ nỗi sợ hãi họ.
Chính những chiến sỹ công an mới là người đáng tin cậy để giúp đỡ trẻ khi bố mẹ không ở bên.
Thay vào đó, bố mẹ nên dạy trẻ biết, công an, bộ đội hay những người mặc trang phục bảo vệ,… là những người đáng tin cậy nhất khi bố mẹ không ở bên.
"Nếu lạc đường, con hãy nhờ chú công an đưa về nhé".
"Nếu gặp nguy hiểm trên đường, con hãy tìm những người mặc cảnh phục để nhờ giúp đỡ".
Đó mới là kỹ năng sống thiết yếu, là những câu bố mẹ nên nói với con, thay vì: "Ăn cơm nhanh không mẹ báo công an bỏ tù" hay "Không học bài mẹ báo chú công an đến bắt bây giờ!".
Nếu như bé gái tiểu học trong bức ảnh đẹp hôm nay cũng bị nhiễm tư tưởng ghét công an và hốt hoảng bỏ chạy khi thấy các chú. Vậy ai sẽ là người sửa xích xe cho bé giữa dòng đường tấp nập người qua lại?
Có lẽ đã đến lúc, bố mẹ Việt nên bỏ ngay những câu dọa nạt tưởng vô thưởng vô phạt nhưng lại gây vô vàn hệ lụy xấu của mình.