Đừng bận lòng với… huy chương

GD&TĐ - Người xưa đã dạy 'Tiên trách kỷ, hậu trách nhân', nếu vai diễn, vở diễn thực sự xuất sắc và tỏa sáng thì hãy tin rằng sẽ được ghi nhận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù cánh màn nhung Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn vẳng lại cùng bao niềm vui, nỗi buồn và không ít trăn trở xoay quanh… huy chương.

Nào là vở diễn này, vai diễn kia liệu có xứng đáng, có thực là “vàng mười” để được vinh danh? Nào là vở diễn ấy, vai diễn đó chắc mẩm sẽ giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc vậy mà sao lại phải dừng chân ở mức không mong muốn, thậm chí còn trật lất về tay không.

Nào là với những “mảng miếng”, trò diễn, ngón đàn… của người “vua biết mặt, chúa biết tên”, bao năm “chinh chiến” trong các hội diễn lớn nhỏ thì đương nhiên thắng giải chứ? Vậy mà, sao lại là người mới lần đầu đến liên hoan, vượt mặt đàn anh giật giải ư; Sao có người đã đủ huy chương xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” mà không… nhường!

Không ít người còn bày tỏ cảm xúc thất vọng tràn trề rồi phản ứng tiêu cực bằng “tuyên bố”… bỏ nghề. Những nghi ngờ “con mắt xanh” của hội đồng giám khảo chưa thực sự công tâm, có không ít thiên vị, nâng đỡ rộ lên. Thậm chí có người còn hồ nghi về một cơ cấu huy chương đã được chỉ định từ trước và hội đồng giám khảo được lập ra cho đủ, cho đúng quy trình!

Thực ra, những xôn xao, những bức xúc ấy đã rất đỗi quen thuộc và trở thành một “thuộc tính” của mỗi kỳ cuộc liên hoan sân khấu. Tất nhiên, những làn sóng ì xèo ấy có độ đậm – nhạt khác nhau, có kỳ dâng cao sục sôi nhưng có kỳ chỉ âm ỉ… gợn dưới lòng sâu.

Nhưng điều khó hiểu là, muôn xôn xao, ì xèo ấy chỉ có thể là truyền miệng sau lưng, quá lắm thì than thở, âu sầu trên mạng xã hội để nhận được những bình luận hùa theo từ góc nhìn một chiều, không có thực tế. Xem ra chưa thấy/hiếm thấy nghệ sĩ nào dám khiếu nại trực tiếp với ban tổ chức hay hội đồng giám khảo, dám khẳng định mình thực sự xuất sắc và xứng đáng được ghi nhận.

Là người của công chúng, mỗi vai diễn trên sân khấu là hướng khán giả đến những điều chân – thiện – mỹ, hướng đến lòng bao dung, khoan hòa, nhân ái. Vậy mà sao khi gặp trở ngại trong cuộc sống đời thường không ít người lại có cách ứng xử mang cảm tính, thiếu tế nhị, chưa được đàng hoàng, góp gió tạo ra những sóng tiền lệ xấu tại mỗi kỳ cuộc liên hoan.

Người xưa đã dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu vai diễn, vở diễn thực sự xuất sắc và tỏa sáng thì hãy tin rằng sẽ được ghi nhận. Còn nếu chưa thỏa đáng thì sao không dũng cảm lên tiếng khiếu nại và dám chịu trách nhiệm đây?

Và, tất cả những việc làm này hãy xuất phát từ trái tim nhiệt huyết, rút ruột nhả tơ cho nghệ thuật, vì công chúng chứ đừng vì sự bận lòng với danh hiệu, huy chương. Thiết nghĩ, danh hiệu cao quý nhất là những vai diễn để đời khiến người đời ghi nhớ, trân trọng và gọi thành tên trong suốt cuộc đời!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...