Vì sao Quốc Cơ, Quốc Nghiệp trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân?

GD&TĐ - Anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không có tên trong danh sách đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước khiến nhiều người tiếc nuối.

Tiết mục chồng người lên nhau, leo 90 bậc thang của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp.
Tiết mục chồng người lên nhau, leo 90 bậc thang của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp.

Kết quả phù hợp

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố 139 hồ sơ đủ tiêu chuẩn để xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (lần thứ 10). Cặp anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không có tên trong danh sách đề xuất lần này.

Bà Nghiêm Thị Minh Nguyệt - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - cho biết, việc xét duyệt các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú được hội đồng trong lĩnh vực sân khấu thảo luận công khai dựa trên cơ sở hồ sơ cá nhân. Việc này được hội đồng cấp tỉnh, thành phố trình lên.

Với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ngoài việc xét theo giải thưởng hoặc xét theo trường hợp đặc biệt là không có giải thưởng thì hội đồng sẽ đánh giá, xét duyệt dựa theo 4 tiêu chí đã quy định.

Ngoài đánh giá tài năng nghệ thuật, các thành viên hội đồng còn thảo luận về quá trình đóng góp và hoạt động nghệ thuật của các cá nhân. Trong đó phải là những nghệ sĩ có đóng góp đặc biệt nổi trội có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong từng loại hình ngành nghề nghệ thuật.

Lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng cho biết, sau khi thảo luận, thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kín và công bố kiểm phiếu ngay tại hội đồng. Đồng thời, với các đợt xét duyệt danh hiệu này, Thanh tra Bộ và Bộ VH-TT&DL sẽ có kênh kiểm tra độc lập từng hội đồng để xem có vướng mắc hay sai sót hay không.

“Trước khi kết thúc cuộc họp, hội đồng đã biết kết quả kiểm phiếu và sau khi kết thúc, tất cả thành viên hội đồng đều cảm thấy kết quả bỏ phiếu phù hợp với những đánh giá chung”, bà Nguyệt nói. Được biết, Hội đồng cũng đã trao đổi lại với các nghệ sĩ về lý do chưa đủ tỷ lệ phiếu.

Quốc Cơ cho biết, hai anh em buồn khi bị loại, nhưng không quá tiếc nuối. “Tôi nghĩ mình trượt vì có những người xứng đáng hơn. Chúng tôi còn trẻ, sự nghiệp còn dài. Điều này cũng giúp chúng tôi cố gắng hơn nữa để giành thêm nhiều danh hiệu, giải thưởng để bổ sung cho lần xét duyệt sau”, Quốc Cơ chia sẻ.

Giữa năm 2021, nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp gửi hồ sơ xin xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Sau đó lọt vào danh sách của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh. Quốc Cơ từng làm hồ sơ ở đợt xét năm 2018 nhưng không được đơn vị chủ quản là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chấp thuận, vì tuổi nghề chưa đủ.

Còn nhiều dự án

Gia đình Quốc Cơ, Quốc Nghiệp vốn có truyền thống lâu đời về nghệ thuật xiếc. Ngay từ nhỏ, hai anh em đã được ba cho tập những bài cơ bản và rèn luyện ý chí, sự nhạy bén với bộ môn này.

Quốc Cơ sinh năm 1984, được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 28 tuổi. Quốc Nghiệp sinh năm 1989, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 26 tuổi. Đây là hai nghệ sĩ trẻ nhất từng được phong tặng. Quốc Cơ bắt đầu tập xiếc từ năm 4 tuổi, Quốc Nghiệp tập lúc 5 tuổi. Hai anh em biểu diễn chuyên nghiệp từ năm 1999 đến nay.

Tiết mục nổi tiếng nhất của họ mang tên Sức mạnh đôi tay. Cả hai từng xác lập kỷ lục Guinness thế giới tại Tây Ban Nha năm 2016 với màn chồng người lên nhau, leo 90 bậc thang trong 52 giây.

Tại Britain’s Got Talent 2018, màn diễn chồng đầu của họ tiếp tục chinh phục giám khảo, khán giả, giúp họ lọt vào top ba chung kết. Năm 2021, anh em “Hoàng tử Xiếc” tiếp tục thiết lập Kỷ lục thế giới mới khi “Chồng đầu đi trên 100 bậc thang nhà thờ Girona trong 53 giây”.

Nhiều khán giả tỏ ra vô cùng tiếc nuối khi hai anh em nghệ sĩ không có tên trong danh sách đề nghị xét duyệt lần này. Có khán giả chia sẻ: “Tuổi nào cho sự khổ luyện từ bé, cống hiến suốt cả tuổi vị thành niên cho đến thời tuổi trẻ rực rỡ nhất.

“Sức mạnh đôi tay” không chỉ đến từ cơ bắp. Nó là mồ hôi và máu, là hành trình chinh phục để những bước đi vững chãi, những cú chồng đầu, chống tay thót tim kia đã làm dội lên hai tiếng Việt Nam ở bên ngoài Tổ quốc. Và, nó thắp lên bao niềm vui thơ bé, giấc mơ được chinh phục những điều không thể thành có thể nơi những cô bé, cậu bé vùng sâu, vùng xa…”.

Trên nhiều hội nhóm xã hội, có nhiều khán giả nói: “Quá tiếc cho hai anh em tài năng này, họ đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình vì nghệ thuật”; “Quá nhiều thành tích nhưng hầu hết là ở nước ngoài nên có lẽ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp còn chưa được nhiều người biết đến”…

Nghệ sĩ Quốc Cơ chia sẻ: “Đối với riêng tôi, những danh hiệu không quá quan trọng bởi nếu đạt được thì quá tốt, còn không thì mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực. Danh hiệu không phải là mục tiêu mà tôi với Quốc Nghiệp cố gắng mọi cách để đạt được. Sắp tới có rất nhiều dự án mà cả hai muốn thực hiện. Nếu còn đủ sức, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vẫn sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn”.

Nhiều tên tuổi góp mặt trong 139 hồ sơ xét Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10. Lĩnh vực sân khấu có số lượng đông nhất với 88 nghệ sĩ, gồm diễn viên Xuân Bắc, Chí Trung, Quang Tèo, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Thanh Thúy, Trần Lực, cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ. Mảng âm nhạc có 45 hồ sơ, gồm ca sĩ Tấn Minh, nghệ sĩ Hoàng Xuân Bình, nghệ sĩ Bùi Công Duy, ca sĩ Thanh Lam...

Lĩnh vực múa có ba hồ sơ gồm nghệ sĩ Trần Ly Ly, Đỗ Hiền, Bùi Xuân Hanh. Mảng điện ảnh có một người là nghệ sĩ Hồ Quảng.

348 gương mặt khác được đề nghị xét duyệt Nghệ sĩ Ưu tú. Danh sách được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến hết ngày 16/8 để lấy ý kiến của người dân trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hỏm Hốc tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình chị Lò Thị Mông.

Chị Mông làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Trong cuộc sống vô vàn khó khăn, chị Lò Thị Mông đã vươn lên để trở thành một trong những hội viên làm kinh tế giỏi ở Tuần Giáo (Điện Biên).

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...