Đừng bám víu vào nghề một cách vô hồn!

GD&TĐ - LTS: Sau một loạt sự việc xảy ra ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Báo GD&TĐ nhận được nhiều ý kiến, bài viết của độc giả trong và ngoài ngành GD; một phần chia sẻ với các thầy cô đang làm việc tại trường; phần khác đưa ra những quan điểm, đánh giá liên quan đến cách hành xử của cô Nguyễn Thị Phương Thủy và Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh. Lá thư ngỏ của thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM) là một phần trong đó. Báo GD&TĐ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình
Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

Kính chào cô Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tôi lấy làm tiếc vì những sự việc đã xảy ra với HS của nhà trường, và cũng tiếc cho Trường THCS Duy Ninh vẫn chưa đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, trong khi HS của nhà trường phải rất ngoan, và đạt một số tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra nào đó.

Nhưng tôi vô cùng thắc mắc vì sao Ban giám hiệu, cũng như giáo viên như cô Thủy lại đánh giá đây là nhóm HS hư hỏng, bất trị, cần phải có biện pháp xử phạt răn đe? Có chăng Ban giám hiệu quá khắt khe, áp đặt khuôn khổ cứng nhắc lên HS và thầy cô, bỏ mặc cả thầy và trò đang phải căng mình để chạy theo thành tích “ảo” cho nhà trường.

Lời tường trình của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh, người đã yêu cầu 23 HS tát một nam sinh trong lớp vì chửi thề, là do áp lực thi đua. Có lẽ đây chỉ là lời biện minh của cô giáo, nhưng đâu đó cũng cho thấy bất cập trong cách điều hành của Ban giám hiệu nhà trường.

Vì sao cô Hiệu trưởng lại giao lớp “chót sổ” cho một cô giáo mới “chân ướt chân ráo” về trường, chưa hiểu nhiều đặc thù tính cách của học trò. Đáng chê trách hơn là việc Hiệu trưởng muốn ém nhẹm vụ việc với lý do trường sắp “lên chuẩn” nên không muốn vì một cá nhân mà ảnh hưởng tới tập thể.

“Đã không yêu đừng nói lời cay đắng

Vết mực nhòe trang giấy trắng tuổi thơ

Sao nỡ tâm trẻ giơ tay tát bạn

Giáo dục nào để hạt sạn lâu năm”.

Con trẻ đến trường để được uốn nắn, được giáo dục nhân cách tốt. Học trò mắc lỗi là điều rất thường gặp, và trách phạt là điều cần thiết. Trong một chừng mực nào đó, thầy cô thay mặt cha mẹ để nhắc nhở, trách phạt khi HS có lỗi lầm và giúp học sinh nhận ra hướng khắc phục. Nhưng giáo viên không được xâm phạm thân thể, không được xúc phạm nhân phẩm, và không được làm tổn thương tâm lý của HS.

Nhà trường cần đưa ra một số chuẩn mực trong việc xử lý vi phạm của HS, chứ không nên tùy tiện xử phạt theo kiểu côn đồ. Hành vi yêu cầu các HS khác tát vào mặt nam sinh nói tục là tiếp tay cho bạo lực học đường, hậu quả khôn lường hơn khi sau này chính các em sẽ dùng bạo lực để hành xử với nhau.

Chỉ vài ngày sau đó, cô giáo Thủy đã bị khởi tố hình sự, khiến cô bị trầm cảm. Giá như kiềm chế hơn, có những hành xử đúng mực hơn thì cô Thủy đã không phải là tự hành hạ bản thân mình.

Đã đôi lần tôi đặt câu hỏi cho mình và đồng nghiệp: “Nếu được chọn lại, có chọn nghề giáo viên hay không?”. Trả lời “có” hay “không”, thì ngày mai thầy cô vẫn bước lên bục giảng với sự tận tụy trong công việc, và sự tận tâm với học trò.

Tôi biết vẫn còn nhiều thầy cô mang cả tấm lòng nhiệt huyết, nhưng cũng không ít thầy cô cảm thấy chua chát với nghề khi đọc những mẩu tin kiểu như đồng nghiệp phải quỳ gối trước áp lực xã hội, hoặc bởi do chính giáo viên đã chà đạp lên cái nghề mình đã chọn.

Mỗi người bén duyên với nghề trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Cuộc sống mưu sinh cũng khiến cho suy nghĩ của thầy cô dần thay đổi theo thời gian. Nhưng xin thầy cô đừng bám víu vào công việc một cách vô hồn khi không còn đủ tình yêu trẻ, yêu nghề.

“Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ”.

Trong quá trình GD cho HS, thầy cô giáo cũng có những lúc nóng nảy, buông lời trách mắng, hoặc đưa ra hình phạt với các em. Nhưng hành vi của cô Thủy không thể chấp nhận. Cô đã đứng nhìn học trò sát phạt nhau, và cũng chính cô “chốt chặn” cái tát cuối cùng. Có lẽ giờ đây sự ân hận là quá muộn màng, nhưng đây là lời cảnh tỉnh với các thầy cô khác.

Cô Phạm Thị Lệ Anh nghĩ sao nếu trường hợp của cô Thủy không phải là duy nhất. Thi đua để nâng tầm chất lượng. Trường đạt chuẩn để HS có thêm điều kiện học tập, chứ không phải thêm bề dày thành tích cho lãnh đạo. Tôi tin rằng môi trường giáo dục có nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, có những người lãnh đạo biết lo nghĩ cho tập thể thầy cô và HS thì ngôi trường đó sẽ sớm đạt chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế trong thời gian không xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vì sao vẫn 'ế'?

GD&TĐ - Từ cuối tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu giá vàng miếng nhưng chỉ một phiên thành công.