Trong khi đó, chính phủ Đức được cho là đang thảo luận về khả năng tạo ra một cơ chế ngừng hoạt động, có thể sử dụng trong trường hợp Nga bị cáo buộc là cố gắng đe dọa Ukraine bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt. Ông Maas được cho là tin rằng một cơ chế như vậy sẽ khiến Nga không thể sử dụng nguồn cung cấp khí đốt như một công cụ gây áp lực chính trị đối với Ukraine.
Hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ giám sát các hoạt động nhằm hoàn thành dự án Nord Stream 2 và có thể đưa ra các lệnh trừng phạt. Mỹ là một đối thủ lớn của dự án này khi họ đang tìm cách xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn sang châu Âu.
Việc xây dựng Nord Stream 2 đã bị đình chỉ một năm trước sau các lệnh trực phạt của Mỹ buộc công ty đặt đường ống Thụy Sĩ Allseas phải rút khỏi Nord Stream 2, nhưng hoạt động này đã được nối lại vào tháng 12/2020 và dự kiến sẽ mất vài tháng để hoàn thành.
Nhà chức trách Đức, bao gồm cả Thủ tướng Angela Merkel nhiều lần bác bỏ các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ và cho biết họ coi Nord Stream 2 là một dự án kinh tế hơn là chính trị. Tờ báo Đức Handelsblatt cho biết hôm 2/2 rằng Mỹ lần đầu tiên phát đi tín hiệu cho thấy sẵn sàng đàm phán về dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn dầu này.
“Đối với Nord Stream 2, chúng tôi thường nói rằng một mặt đây là một dự án kinh tế, mặt khác nó có ý nghĩa chính trị và điều này đóng một vai trò lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương” – bà Merkel cho biết hôm 5/2. Bà nhấn mạnh rằng bà coi các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ “không phải cách tốt nhất” để giải quyết những khác biệt. Theo Thủ tướng Đức, bất chấp “sự khác biệt sâu sắc” giữa Nga và EU bao gồm Đức, bà tin “việc duy trì đối thoại với Nga về nhiều vấn đề địa chiến lược là vô cùng cần thiết”.