Mỹ thúc Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ “rồng lửa” S-400 của Nga

GD&TĐ - Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói với các phóng viên rằng Mỹ đang thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ hệ thống S-400 của Nga.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

“Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại hệ thống S-400” – ông Kirby nói trong một cuộc họp báo hôm qua (5/2) và nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng S-400 không tương thích với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là F-35 của Mỹ cũng như các hệ thống vũ khí khác của NATO: “Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO lâu đời và có giá trị, nhưng quyết định của họ mua S-400 là không phù hợp với cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đồng minh của Mỹ và NATO”.

Theo phát ngôn viên Kirby, trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã có “nhiều cơ hội để mua hệ thống phòng thủ Patriot từ Mỹ nhưng thay vào đó, họ chọn mua S-400, thứ mang lại cho Nga doanh thu, khả năng tiếp cận và ảnh hưởng”.

Đặc phái viên Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Michael Satterfild hôm qua cho biết Washington không có kế hoạch thành lập một nhóm làm việc với Ankara để giải quyết những khác biệt trong việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Vào tháng 1, Thổ Nhĩ kỳ bày tỏ sẵn sàng mua gói hệ thống S-400 thứ 2 của Nga với điều kiện chuyển giao công nghệ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố việc mua bán này là “không thể chấp nhận được” và cho biết có thể cần các biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn hợp tác quốc phòng giữa 2 nước này.

TT Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần tuyên bố việc mua hệ thống phòng không S-400 là vấn đề thuộc chủ quyền của Ankara và nước này không cần sự cho phép của Mỹ để nhận các hệ thống mới.

Washington khẳng định Nga có thể sử dụng hệ thống phòng không để thu thập thông tin về khả năng tiên tiến của máy bay Mỹ. Ngược lại, Ankara tuyên bố hệ thống phòng không S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và sẽ không làm suy yếu an ninh của liên minh này.

Trước đó, TT Erdogan nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua S-400 cho thấy sự thiếu tôn trọng của Mỹ đối với một đồng minh quan trọng của NATO.

Tháng 12/2020, chính quyền cựu TT Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA). Sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ xem xét tác động của lệnh trừng phạt hiện có và xác định “liệu có cần làm nhiều hơn nữa hay không”.

Vào tháng 7/2019, Mỹ thông báo rằng họ đang thúc đẩy việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35 vì việc nước này mua hệ thống S-400. Ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ định mua hơn 100 chiếc F-35 nhưng sau đó chỉ mua 30 chiếc khi bị đình chỉ khỏi dự án này.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ