Đức quyết định gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

GD&TĐ - Chính phủ Đức đã xác nhận quyết định gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, một tuyên bố của nội các Đức cho biết ngày 25/1.

(Ảnh: Global Lookpress)
(Ảnh: Global Lookpress)

"Chính phủ Liên bang đã quyết định cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine xe tăng chiến đấu Leopard 2. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán chuyên sâu với các đối tác quốc tế và châu Âu thân cận nhất của Đức", thông cáo báo chí cho biết.

Theo quy định, Berlin sẽ gửi cho Kiev 14 xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức).

Tuyên bố trên lưu ý rằng các nước đối tác châu Âu khác của Đức cũng sẽ chuyển xe tăng Đức từ kho của họ sang Ukraine. Berlin sẽ cấp giấy phép thích hợp cho các nước này.

Theo phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit, mục tiêu được đặt ra là nhanh chóng thành lập 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Ở giai đoạn đầu, Kiev sẽ được cung cấp một đại đội gồm 14 xe tăng Leopard 2A6 từ lực lượng dự bị của Bundeswehr. Các đối tác châu Âu còn lại cũng sẽ chuyển giao xe tăng loại này.

Việc đào tạo binh sĩ lái xe tăng Ukraine sẽ sớm bắt đầu ở Đức. Gói hỗ trợ này cũng bao gồm các vấn đề hậu cần, đạn dược và bảo trì hệ thống, theo phát ngôn viên trên.

Ngày 24/1, tờ Der Spiegel đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz quyết định chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev không phải là điềm lành cho mối quan hệ giữa Nga và Đức.

Ngoài ra, kênh truyền hình ABC dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết 12 quốc gia đã đồng ý chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Chuyên gia quân sự Nga Igor Nikulin ngày 25/1 trả lời phỏng vấn tờ Izvestia cho biết, việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine sẽ không ảnh hưởng triệt để đến tiến trình thực hiện chiến dịch đặc biệt của Liên bang Nga. Ông lưu ý quân đội Nga sẽ không gặp vấn đề gì với loại xe tăng này.

Trong những tuần gần đây, phương Tây tích cực thảo luận về khả năng cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard 2 của Đức và các loại xe bọc thép khác. Theo các quy tắc quốc tế, không quốc gia nào có thể chuyển giao vũ khí cho quốc gia khác mà không có sự đồng ý của quốc gia xuất xứ. Khi đó, Đức vẫn kiềm chế không đồng ý việc này, bất chấp áp lực từ đồng minh.

Theo IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ