Hai nghị sĩ Nghị viện châu Âu bị dỡ quyền miễn trừ trong vụ tham nhũng Qatargate

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghị viện Châu Âu đã bắt đầu dỡ bỏ quyền miễn trừ của hai nghị sĩ nữa bị nghi ngờ có hành vi sai trái trong vụ bê bối tham nhũng Qatargate.

Nghị sĩ Bỉ Marc Tarabella.
Nghị sĩ Bỉ Marc Tarabella.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola đã bắt đầu quy trình trên tại Strasbourg hôm 16/1 đối với các thành viên Marc Tarabella từ Bỉ và Andrea Cozzolino từ Ý.

"Tôi đã nhận được yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền ở Bỉ về việc bỏ quyền miễn trừ nghị viện của ông Andrea Cozzolino và ông Marc Tarabella. Những yêu cầu này đã được chuyển đến Ủy ban về các vấn đề pháp lý" - bà nói với các nghị sĩ.

Cho đến ngày 13/1, ông Cozzolino vẫn là chủ tịch phái đoàn của Nghị viện làm việc với khu vực Maghreb, bao gồm Maroc. Đây là một trong những quốc gia bị cáo buộc cung cấp tiền mặt cho các chính trị gia để gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định ở EU.

Ông Cozzolino cũng ở trong ủy ban điều tra việc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus của các nước thứ ba, được cho là liên quan đến nghị sĩ Saskia Bricmont của Bỉ.

"Có một vấn đề liên quan đến Maroc vì nước này bị nghi ngờ đã sử dụng phần mềm Pegasus chống lại EU, Tổng thống (Pháp) Macron và cả Thủ tướng Tây Ban Nha" - bà Metsola nói với Euronews - "Vì vậy một số thành viên có thể bị nghi ngờ đã bảo vệ lợi ích cụ thể của mình và cả lợi ích của Maroc”.

Ông Tarabella trước đây là phó Chủ tịch phái đoàn chịu trách nhiệm về quan hệ bán đảo Ả Rập, bao gồm Qatar.

Ông Tarabella được cho là đã không khai báo chuyến đi đến Qatar vào năm 2020 mà nước này đã trả tiền. Đây là điều được cho là vi phạm các quy tắc của Nghị viện Châu Âu.

Theo Văn phòng Công tố Liên bang Bỉ, trung tâm của vụ bê bối tham nhũng Qatargate nằm ở một kế hoạch tham nhũng liên quan đến "những khoản tiền lớn" và "những món quà đáng kể" mà một quốc gia ở Vịnh Ba Tư chi trả. Quốc gia này được biết đến rộng rãi là Qatar. Mục đích của việc này là gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu.

Maroc trong những tuần gần đây bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối. Tuy nhiên, cả Qatar và Maroc đều phủ nhận điều này.

Cho đến nay, 4 cá nhân đã bị bắt và bị buộc tội tham gia vào một tổ chức tội phạm, rửa tiền và tham nhũng.

Trong khi đó, số tiền mặt lên tới 1,5 triệu euro đã bị cảnh sát Bỉ thu giữ sau hàng chục cuộc khám xét nhà và văn phòng những người liên quan.

Theo Euronews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ