Bà Hoegl tin rằng Berlin đã làm “nhiều hơn những gì được đề xuất” khi nói đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Berlin sẽ thoải mái cho đi bất kỳ thứ gì có trong kho vì điều này vô nghĩa.
Để đưa ra các quyết định “có trách nhiệm”, trước hết, các nhà chức trách Đức phải xem xét những gì Ukraine có thể sử dụng một cách hiệu quả, bà Hoegl nói. Theo Bà, Đức không thể giao mọi thứ có ở sân sau của mình như những chiếc xe chiến đấu bộ binh Marder 50 năm tuổi. Bà tin chính phủ và Hội đồng An ninh Liên bang sẽ tìm hiểu tất cả các phương án hợp lý có thể.
Khi được hỏi liệu các thành viên NATO có nên cung cấp cho Ukraine các thiết bị hạng nặng hiện đại của phương Tây thay vì khí tài quân sự từ thời Liên Xô có nguy cơ cạn kiệt phụ tùng thay thế không, bà Hoegl trả lời rằng việc đó không phụ thuộc vào Berlin.
Trước đó, hôm 13/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài phát thanh RBB rằng Berlin đã làm đủ để hỗ trợ Ukraine, đồng thời cho biết Đức sẽ không gửi bất kỳ vũ khí nào đến Ukraine mà cần có sự hiện diện của Đức trên đất Ukraine.
Trong khi đó, bà Hoegl thừa nhận Lực lượng Vũ trang Đức đã không giải quyết được các vấn đề của riêng họ khi thiếu hụt thiết bị quân sự và vật tư.
“Tôi cho rằng thật bê bối khi 184.000 binh sĩ (Đức) không có mọi thứ họ cần” về trang thiết bị cá nhân. Bà cũng nói rằng Lực lượng Vũ trang Đức chưa hoạt động đầy đủ và cần có hành động liên quan đến vật liệu, nhân sự và cơ sở hạ tầng.
Theo bà Hoegl, binh sĩ được triển khai làm nhiệm vụ ở Mali và Afghanistan trong vài năm qua đã có lúc thiếu áo bảo hộ. Các đơn vị khác nhau cũng phải chia sẻ một số thiết bị để có thể đào tạo. Không nên để xảy ra tình huống “các đơn vị phải dừng việc luyện tập để cung cấp thiết bị cho đơn vị khác”. Điều này phải thay đổi.
Chỉ có 77% thiết bị quân sự hạng nặng của Lực lượng Vũ trang Đức ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó về vũ khí và trang bị cá nhân, mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp hơn đáng kể - bà Hoegl nói.
Bà hoan nghênh quyết định của Berlin trong việc tăng ngân sách quốc phòng thông qua quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Tuy nhiên, bà cho rằng chỉ phân bổ số tiền này là không đủ và các thủ tục mua sắm quân sự cũng phải thay đổi.
Lực lượng vũ trang Đức phải vật lộn với tình trạng thiếu trang thiết bị trong nhiều năm nay. Năm 2020, có thông tin cho rằng quân đội thiếu xe chiến đấu bộ binh đến nỗi một số binh sĩ phải dùng ô tô trong các cuộc tập trận. Năm 2019, Tham mưu trưởng Quân đội Đức Eberhard Zorn thừa nhận quân đội nước này sẽ không được trang bị đầy đủ cho chiến đấu tới khoảng năm 2031.