Đức: Dự án trợ giúp sinh viên muốn đổi nghề

GD&TĐ - Theo thống kê, hơn một phần tư sinh viên Đức thậm chí không học xong học kỳ thứ bảy và bỏ học giữa chừng.

Thiết kế chương trình dạy học trực tuyến – nghề mới được SV Đức ưa chuộng.
Thiết kế chương trình dạy học trực tuyến – nghề mới được SV Đức ưa chuộng.

Để giúp đỡ những SV này, mới đây, tại thành phố Frankfurt am Main, ĐH Frankfurt mang tên Goethe triển khai dự án Your Push (Cú hích của bạn). Những SV đang tìm kiếm sự trợ giúp sẽ thử sức làm một nghề liên quan đến lao động chân tay. Lý do rất đơn giản: Nhu cầu về những ngành nghề công nhân ở Đức đang tăng cao.

Sinh viên đại học trở thành thợ bánh 

Khác với nhiều nước trên thế giới, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, HS Đức thường dành vài năm để đi du lịch, tham gia các chương trình tình nguyện và lập kế hoạch cho tương lai trước khi vào ĐH. Nhưng ngay cả điều này không phải bao giờ cũng giúp các bạn trẻ lựa chọn thành công: Khoảng 30% SV sau đó thay đổi khoa hoặc chuyên ngành mình đã chọn, một số tự nguyện rời bỏ trường ĐH.

Peter K. vào học khoa kinh tế và quản lý một trường ĐH theo lời khuyên của bố mình. Vốn là một doanh nhân thành đạt, thậm chí ông không nghi ngờ rằng lựa chọn tốt nhất cho con trai mình là trở thành chuyên gia tư vấn kinh doanh. Nhưng ngay trong học kỳ đầu tiên, Peter cảm thấy rằng nghề này, ngay cả khi nó hứa hẹn những triển vọng rực rỡ cả về thu nhập lẫn triển vọng phát triển, không phải dành cho anh.

Mặc dù vậy, Peter không xin chuyển trường. Anh kiên nhẫn chịu đựng và tiếp tục học hành chăm chỉ, hy vọng theo thời gian mọi thứ sẽ trở nên ổn định và sẽ quen với công việc học tập của mình. Tuy nhiên, càng ngày, sự thất vọng của anh càng tăng lên. Và cuối cùng, Peter đã làm cái điều khiến bố mẹ bị sốc, thế nhưng bản thân lại cảm thấy hết sức nhẹ nhõm. Sau học kỳ thứ tư, Peter quyết định chia tay với trường ĐH và thực hiện điều mà mình thầm mơ ước từ nhỏ - học nghề làm bánh kẹo.

Nhưng nếu Peter biết chính xác những gì mình muốn làm, nhiều SV Đức hiện nay thất vọng về chuyên ngành mà họ đã chọn không biết nên chuyển sang học nghề gì. Đó chính là lý do ra đời của dự án “Your Push” - giúp SV chọn lại nghề.

“Dự án của chúng tôi hướng đến những SV không cảm thấy thoải mái với điều kiện học tập tại trường ĐH hoặc hoài nghi về con đường phát triển nghề nghiệp đã chọn. Chúng tôi tư vấn cho họ, giúp đỡ họ lời khuyên, tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc học tại trường ĐH và nói chung là đồng hành với những bạn trẻ trên con đường đến với một nghề mới. Dự án đã hoạt động được khoảng ba năm. Trong thời gian này, chúng tôi đã giúp đỡ hơn 300 SV” - bà Deborah Bertolini, Giám đốc dự án “Your Push”  chia sẻ.

Thay đổi 180 độ

Đức: Dự án trợ giúp sinh viên muốn đổi nghề ảnh 1

Như nhà quản lý dự án giải thích, tình hình thực tế diễn ra đúng như vậy. Khi cảm thấy thất vọng về chuyên ngành đã chọn và nghĩ tới việc đào tạo lại, SV đến văn phòng “Your Push” và trình bày những hoài nghi của mình. Trong quá trình trao đổi với SV, đầu tiên đại diện của nhóm dự án cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những hoài nghi đó.

Và nếu nhận thấy đây là nguyên nhân thực sự chính đáng và việc học nghề có thể là một giải pháp phù hợp thay thế cho trường ĐH, thì tiếp theo các đại diện nhóm “Your Push” tìm hiểu xem SV này có những năng lực gì, những điểm mạnh gì giúp anh ta có lợi thế đặc biệt so với những người khác.

Dựa trên những dữ liệu này, dự án sẽ định hướng ngành chuyên môn cho họ. Cuối cùng, tùy thuộc vào việc SV có khả năng sáng tạo hay thiên hướng kỹ thuật, họ tìm kiếm các phương án thực tập trong các công ty đối tác - tất nhiên, phù hợp với sở thích của SV.

Trong quá trình thực tập sản xuất ở doanh nghiệp, SV hình dung được về nghề mới và quyết định tiếp tục học hay thử một nghề khác nào đó. Nếu cảm thấy công việc mới này phù hợp, anh ta vào học tại khoa tương ứng của trường dạy nghề, nơi việc đào tạo được tiến thành theo hệ thống kép.

Bà Deborah Bertolini chia sẻ: “Đến gặp chúng tôi là những SV đã từng học ít nhất một học kỳ tại trường ĐH, và họ đến từ nhiều thành phố khác của nước Đức. Chúng tôi cũng mở rộng cánh cửa cho những SV nước ngoài đang học tại các trường đại học Đức. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ưu tiên những người có ý định ở lại đất nước chúng tôi lâu dài hoặc mãi mãi. Quả thật, chúng tôi chỉ đưa SV đi thực tập tại các doanh nghiệp liên kết với Phòng Thủ công nghiệp của vùng Rhine-Main”. 

Đừng ngại thay đổi

Theo bà Deborah Bertolini, quá trình thực hiện dự án đã ghi nhận nhiều bài học thành công về việc đào tạo lại. Ví dụ, năm 2019, nữ SV ĐH Goethe Frankfurt đã tìm đến dự án “Your Push” xin trợ giúp, sau khi quyết định nghỉ học vì chọn ngành không đáp ứng nguyện vọng của cô. Các thành viên dự án đã kiểm tra SV này trong một thời gian khá dài, nhưng cô ấy vẫn không thể quyết định sẽ đi vào lĩnh vực nào.

Chỉ đến cuối năm đó, cô gái đã tìm thấy một điều khiến cô thực sự thích thú: Cựu SV ĐH đã chọn nghề thợ may. Cô đang học tại một trường dạy nghề. Các thành viên nhóm dự án “Your Push” vẫn giữ liên lạc với cô và thấy, cô cảm thấy rất hài lòng vì đã tìm thấy mình trong công việc yêu thích.

Trước đại dịch Covid-19, trong khuôn khổ dự án “Your Push”, người ta thường xuyên tổ chức các sự kiện nơi các cựu SV đã bỏ trường ĐH để học nghề, chia sẻ kinh nghiệm của mình và trả lời câu hỏi của những người đi theo con đường của họ. Trong các cuộc gặp gỡ như vậy luôn luôn có mặt các nhà tuyển dụng lao động tiềm năng. Tại một trong những sự kiện đó, một nữ doanh nhân, chủ sở hữu một phòng kỹ thuật quang học, đã phát biểu ý kiến. Bà than phiền không thể tìm được HS và hỏi xem có ai muốn thực tập chỗ bà không.
Tình cờ trong số những người tham gia cuộc gặp mặt có một nữ SV không hài lòng với chuyên ngành đã chọn, nhưng chưa tìm được phương án thay thế. Thế là từ đó, cô gái đã bỏ trường ĐH và bắt đầu hoc nghề kỹ thuật viên quang học. Kết quả, theo nhận xét của bà Deborah Bertolini, cô nữ sinh và bà chủ hiện tại đã hợp tác rất tốt và rất hài lòng về nhau. Điều quan trọng ở đây là đừng ngại thay đổi và hãy thử sức mình trong những ngành nghề khác nhau.

Theo DW.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.