Dựa vào đâu để sáp nhập?

GD&TĐ - Sáng 19/7, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo làm rõ thông tin sáp nhập một số tỉnh, thành đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận những ngày qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lãnh đạo Bộ khẳng định chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh cụ thể nào vì đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng.

Tuy vậy, thực tế là Bộ Nội vụ đang xây dựng tờ trình và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh đối với tỉnh miền núi và tỉnh không phải miền núi. Cụ thể, về quy mô dân số, tỉnh miền núi, vùng cao, có từ 900.000 người trở lên.

Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700.000 người trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi thì quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên. Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên, tỉnh không phải miền núi từ 5.000 km2 trở lên.

Nếu đề xuất này được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, chuyện sáp nhập một số địa phương không đáp ứng các tiêu chí là chuyện sớm hay muộn cũng phải đến.

Từ sau khi thống nhất đến nay, nước ta đã nhiều lần có chủ trương thay đổi điều chỉnh địa giới, địa danh. Năm 1976, nước ta có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh, năm 1986 tăng lên 44 đơn vị.

Từ đó, trải qua nhiều lần điều chỉnh, tách nhập, tính từ 1986 đến năm 2016, sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính hiện có là 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (tăng thêm 19 đơn vị).

Lý do của mỗi lần tách, nhập dường như đều hợp lý. Nhưng nay, câu chuyện này một lần nữa được đặt ra cho thấy phải chăng hiệu quả quản lý Nhà nước chưa được cải thiện là bao sau mỗi lần tách, nhập và quá trình này dường như vẫn đang tiếp tục đi tìm kiếm triết lý?

Bối cảnh hiện nay với sự hiện đại hóa của thông tin liên lạc, phương tiện quản lý Nhà nước có thể đặt ra những yêu cầu mới trong quản trị quốc gia. Tuy nhiên, việc sáp nhập hay chia tách tỉnh là vấn đề hệ trọng và có rất nhiều câu hỏi phải trả lời.

Đầu tiên là vì sao phải tách hay nhập tỉnh? Nguyên tắc tách, nhập là gì? Tính khoa học của các tiêu chí sáp nhập ra sao? Quy mô dân số và diện tích tự nhiên có nên giữ vai trò quan trọng nhất không khi mà thực tiễn cho thấy việc hình thành các khu dân cư, làng xóm, đơn vị hành chính phải căn cứ vào yêu cầu sinh tồn, tức là về kinh tế, quan hệ với thiên nhiên và tình cảm gắn bó cộng đồng.

Liệu sáp nhập tỉnh có phải là biện pháp giảm biên chế, tiết kiệm trụ sở hiệu quả không? Nhập tỉnh thì hiệu quả quản lý có tốt hơn không?

Đứng từ góc nhìn quyền và lợi của người dân, chủ thể nộp thuế, phí nuôi bộ máy Nhà nước thì hiệu quả quản lý cần phải đặt lên hàng đầu chứ không phải là sự tiện lợi của Nhà nước và ý muốn của chính quyền Trung ương. Chính vì thế, câu hỏi quan trọng nhất là những lập luận nhập, tách tỉnh có xuất phát từ lợi ích của người dân hay không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.