Giảm thiểu cơ chế “xin - cho”
Báo cáo tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - sáng 28/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng nền hành chính nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo.
Theo đó, một trong những kết quả nổi bật là, cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giảm sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, giảm thiểu cơ chế “xin - cho”... trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.
Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả nổi bật, cơ bản đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà nêu lên 5 tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính thời gian qua
Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế.
Hai là, chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Thể chế, pháp luật vẫn còn chưa đồng bộ và thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hoá đời sống xã hội trong điều kiện mới. Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở.
Ba là, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng... Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách thủ tục hành chính chưa cao.
Bốn là, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu tại các cơ quan hành chính hiện nay có rất nhiều nhưng để trích xuất, chia sẻ thông tin còn gặp nhiều vướng mắc. Sự tương tác trong nền công vụ qua môi trường số hóa vẫn còn những hạn chế.
Việc xây dựng, hình thành và phát triển cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, việc tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước còn hạn chế; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.