Đưa thể thao điện tử vào trường học: Cái bắt tay của nhà trường và xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, dư địa phát triển thể thao điện tử trong thời gian tới rất nhiều.

Các vận động viên Thể thao điện tử của Việt Nam so tài ở nội dung Free Fire tại SEA GAMES 31. Ảnh: ITN
Các vận động viên Thể thao điện tử của Việt Nam so tài ở nội dung Free Fire tại SEA GAMES 31. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra cho ngành cần sự chung tay hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức xã hội.

Trường học vào cuộc

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh cho rằng, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thể thao điện tử. Thay vì chỉ chơi điện tử dẫn tới tình trạng “nghiện game” ở một số học sinh thì thể thao điện tử là hình thức chơi khoa học kết hợp với vận động thể chất sẽ giúp các em phát triển toàn diện.

Do đó, thời gian tới cần nhiều nhân lực có trình độ, được đào tạo bài bản để phục vụ lĩnh vực thể thao giải trí điện tử. Khi học xong, các em có thể giảng dạy, huấn luyện, hướng dẫn, quản lý hoặc kinh doanh về thể thao điện tử. Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh có định hướng mở chuyên ngành Thể thao điện tử nằm trong ngành Quản lý Thể dục thể thao. Nhà trường đã tiến hành khảo sát ở nước ngoài từ năm 2018, đến nay tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để mở mã ngành này trong năm học 2024 - 2025.

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Dũng, nhà trường phối hợp chặt chẽ với Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, doanh nghiệp, nhà tài trợ và các trường đại học để phát triển bộ môn Thể thao điện tử mang tính hệ thống. Từ đó, đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội và tham gia các giải đấu quốc tế. Khi được mở mã ngành đào tạo, sinh viên sẽ tập luyện để thi đấu ở các sân chơi quốc tế nếu đạt yêu cầu. Nhà trường cho sinh viên tham gia Giải đấu toàn quốc Thể thao điện tử và Thể chất số năm 2024 ở một số môn như bóng đá điện tử, thể thao mô phỏng (E-Golf)…

Ông Đỗ Việt Hùng – Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam chia sẻ, cách đây vài năm, thể thao điện tử còn khá xa lạ ở nước ta, thậm chí chịu nhiều định kiến vì mọi người chưa hiểu bản chất. Tuy nhiên, đến nay nhờ sự quan tâm của các cơ quan quản lý, sự tuyên truyền của báo chí truyền thông thì thể thao điện tử bước đầu phát triển.

Với những đặc thù hiện tại ở Việt Nam, việc triển khai hoạt động đào tạo thể thao điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học cần có sự tham gia đồng bộ từ nhiều bên, trong đó có vai trò chủ động của nhà trường, ủng hộ, tạo điều kiện của địa phương; đồng hành của các tổ chức chuyên môn như Liên đoàn quốc gia, các liên đoàn địa phương cũng như sự tham gia đồng hành trực tiếp của các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử để cùng nhau tạo ra vòng tuần hoàn bền vững từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến hướng nghiệp và hành nghề bài bản và chuyên nghiệp.

PGS.TS Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

PGS.TS Đặng Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Cần hỗ trợ từ chính sách

Cũng theo ông Đỗ Việt Hùng, Việt Nam đã giành thành tích đứng đầu toàn đoàn môn Thể thao điện tử tại SEA Games 31 năm 2022. Việt Nam cũng được giao trọng trách hỗ trợ toàn diện nước chủ nhà Campuchia tổ chức thành công các nội dung thi đấu Thể thao điện tử tại SEA Games 32 năm 2023 cũng như tham gia nhiều nội dung thi đấu tại ASIAD 19 và đạt được kết quả tốt; giành Huy chương Vàng tại giải vô địch Thể thao điện tử toàn cầu bộ môn PUBG Mobile năm 2022 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ là những minh chứng khá rõ nét cho tiềm năng và vị thế của Thể thao điện tử Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Xuân Đoàn – Trưởng khoa Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, thể thao điện tử mới hiện diện ở một số giải, chưa có bất cứ cơ sở giáo dục nào chính thức đào tạo. Những vận động viên tham gia thi đấu bộ môn Thể thao điện tử ở các giải do tự rèn luyện cộng với năng khiếu cá nhân, chưa thông qua đào tạo bài bản.

Vấn đề đào tạo được hay không phụ thuộc vào yếu tố đầu ra, môi trường sử dụng nguồn nhân lực sau này. Phải xác định được vị trí của thể thao điện tử phục vụ cho hoạt động nào mới xây dựng nội dung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Về phía cơ quan quản lý, cần đưa ra chủ trương rõ ràng, các nhà trường sẽ căn cứ vào đó để phát triển bộ môn Thể thao điện tử với quy mô phù hợp...

Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã và đang phối hợp cùng một số trường đại học về thể thao, các trường công nghệ, quản trị, tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam triển khai từng bước hoạt động đào tạo thể thao điện tử. Trong đó có một số trường đã sẵn sàng cho việc mở và tuyển sinh chuyên ngành Thể thao điện tử. Cũng có trường lựa chọn tiếp cận thông qua mở rộng và bổ sung một số chương trình đào tạo liên quan đến Thể thao điện tử. - Ông Đỗ Việt Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ