Đưa rạp phim lên núi mở chân trời mới cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Những rạp phim thu nhỏ ở ngay các buôn làng hẻo lánh, chưa có điện lưới quốc gia đã mở ra chân trời mới cho học sinh vùng khó.

Một đêm chiếu phim thu hút cả người lớn và trẻ em của rạp phim miền núi do CLB Nụ cười hồng hỗ trợ. Ảnh: CLB Nụ cười hồng
Một đêm chiếu phim thu hút cả người lớn và trẻ em của rạp phim miền núi do CLB Nụ cười hồng hỗ trợ. Ảnh: CLB Nụ cười hồng

Bên ngoài những ngọn núi cao, còn có biển xanh, cát trắng, những tòa nhà cao tầng, đường phố tấp nập… Rạp phim giúp đám trẻ nhìn ra thế giới này thật là rộng lớn, tươi đẹp và muốn được trải nghiệm thì các em phải xuống núi để đi học.

Bước ngoặt của Mẫn

Hồ Văn Mẫn thôn Ông Bình, xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) đã nghỉ học gần một tháng nay, dù em đang là học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn. Thầy cô mấy lần lặn lội vào làng vận động Mẫn ra lớp trở lại nhưng em đều trốn vào rừng.

Từ trung tâm xã Trà Dơn vào đến nhà của Mẫn phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, có những đoạn buộc phải đi bộ vì đường đất đỏ lầy lội, bùn đặc quánh. Nghỉ học ở nhà, Mẫn cũng chỉ quanh quẩn một mình trong thôn với những thứ đồ chơi đã cũ của các em nhỏ được các đoàn thiện nguyện tặng.

Thế nên lần đầu tiên thôn Ông Bình chiếu phim “màn ảnh rộng”, Mẫn rất háo hức. Dù 7 giờ tối rạp phim mới bắt đầu chiếu, nhưng Mẫn đến từ rất sớm, khi rạp phim đang ở công đoạn chuẩn bị. Chiếc tivi 42 inch được đặt ngay hành lang của dãy phòng học vừa xây dựng mới. Một tấm bạt ghi tên Rạp phim Ông Bình được căng ra, 2 chiếc loa công suất lớn đang phát ra lời giới thiệu chương trình để “mời khán giả xa gần đến xem”.

Số lượng ghế có hạn, chỉ đủ cho các em nhỏ ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Mẫn đứng để xem hơn 2 tiếng đồng hồ, lâu lâu mới nhúc nhích chân cho đỡ mỏi. “Cũng là con chuột và con mèo thôi mà xem Tom và Jerry em thấy quá vui và hấp dẫn. Em thấy Đà Nẵng đẹp quá. Nhiều xe ô tô, nhà cửa thì sát nhau. Nhìn thấy biển em cũng thích nữa” – Mẫn hào hứng kể.

Mẫn cũng như nhiều em nhỏ khác ở nóc Ông Bình, lần đầu tiên được đến “rạp” để xem phim. “Rạp phim” Ông Bình còn có cả bắp rang bơ, nước ngọt, trà sữa phục vụ miễn phí cho khán giả. Người lớn, trẻ em ngồi sát nhau trong sân trường của thôn vừa được khánh thành, quên cả cái lạnh buốt của cơn mưa đêm mỗi lúc một nặng hạt. Một góc của núi rừng u tịch thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng ồ à của cả trẻ em và người lớn trước những điều thú vị, bất ngờ trên màn ảnh.

Anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) hỏi Mẫn xem phim xong có thấy thành phố Đà Nẵng đẹp không? Nếu Mẫn đi học đều đặn thì sẽ có cơ hội xuống phố, được tắm biển, đi siêu thị, xem phim trong rạp phim và trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị khác.

Thấy Mẫn còn chần chừ, chú Nam hỏi thêm: Thế có muốn tuần nào cũng được xem phim như hôm nay không? Để giúp Mẫn đi học, một nhà hảo tâm đã nhận hỗ trợ cho em 500 nghìn đồng/tháng. Thầy giáo Phạm Hồng Vương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Dơn mang theo cả áo quần, sách vở, bánh kẹo vào tận nhà để đưa Mẫn trở lại trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhân, giáo viên đứng điểm ở thôn Ông Bình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn chia sẻ: “Buổi xem phim rạp lần đầu tiên trong đời sẽ là một ký ức đẹp, rất khó phai với trẻ em trong thôn. Với giàn điện năng lượng mặt trời, chiếc tivi 42 inch và chiếc chảo thu vệ tinh được tặng từ nguồn vận động của Câu lạc bộ Bạn thương nhau, từ nay, bà con và trẻ em trong thôn đã có thêm ‘món ăn tinh thần’ mới.

Cuối buổi học mỗi ngày, các em sẽ được xem những bộ phim hoạt hình, thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi”. Buổi chiếu phim kéo dài hơn 2 tiếng so với dự kiến ban đầu, dù phải kết thúc vì lượng điện không đủ để hoạt động. Nhưng những khán giả nhí vẫn luyến tiếc không muốn về.

Một khán giả nhí đang chăm chú xem phim ở rạp phim Ông Bình (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: CLB Bạn thương nhau.
Một khán giả nhí đang chăm chú xem phim ở rạp phim Ông Bình (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: CLB Bạn thương nhau.

Những rạp phim của Nụ cười hồng

Anh Hồ Hoàng Liêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nụ cười hồng (Đà Nẵng) chia sẻ: “Trong những chuyến thiện nguyện lên các thôn bản vùng sâu, vùng xa, khi trò chuyện cùng với các em nhỏ, mình mới thấy là các em không biết gì nhiều ở phía bên ngoài ngọn núi. Mình cho các em xem điện thoại, chúng mới biết à, đất nước mình có biển, có sông, biển là như thế này, sóng vỗ như thế kia… Mình muốn gieo vào đầu chúng rằng thế giới ngoài kia rất rộng lớn và có nhiều điều thú vị, phải học hành để vượt ra khỏi ngọn núi bao quanh thôn bản”.

Cùng với hành trình “cõng” điện, đã có 11 “rạp phim” được Câu lạc bộ Nụ cười hồng lắp đặt tại những điểm trường lẻ xa xôi, hẻo lánh của các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Cùng với việc tặng các trạm điện năng lượng mặt trời, Nụ cười hồng sẽ huy động các nguồn lực để tặng luôn rạp chiếu phim cho trường học.

Hệ thống rạp phim sẽ gồm một màn hình chiếu 120 inch, 1 bộ loa di động công suất lớn và bộ thu phát sóng 3G để kết nối với máy tính của giáo viên. Theo anh Hồ Hoàng Liêm, rạp chiếu phim trên núi, ngoài phương tiện giảng dạy, còn giúp học sinh giải trí. “Qua phim ảnh, mỗi ngày, các em sẽ có cái nhìn xa hơn về thế giới bên ngoài một cách trực quan nhất.

Các em biết đến thế giới này có nhiều con vật hơn chứ không chỉ có con gà, con chó. Biết cả siêu nhân, người nhện… Muốn biết chúng thì các em phải chăm học, học giỏi để xuống núi chứ không trốn học chạy về nhà nữa” – anh Liêm bày tỏ.

Cuối tuần, thầy, cô giáo khi trở về nhà sẽ tải vào USB những bộ phim hoạt hình, bài giảng đa phương tiện để phục vụ cho cả việc học hành và giải trí của học sinh nội trú. Giờ học của các em trở nên hấp dẫn hơn nhờ có thêm âm thanh, hình ảnh sống động được thầy cô trình chiếu để minh họa cho bài giảng. Chỉ những học sinh đi học đầy đủ thì cuối tuần mới được xem phim.

Để đưa được rạp phim lên các điểm trường vùng sâu, Câu lạc bộ Nụ cười hồng gặp không ít khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Khoảng năm 2017, để đưa hệ thống pin năng lượng mặt trời và bộ ắc quy vào lắp đặt ở thôn 5, xã Trà Dơn, 13 thành viên của nhóm phải đi bộ theo đường rừng, cả đi và về mất hơn 19 tiếng. “Khi ánh điện đầu tiên bừng sáng, thấy người dân ôm nhau reo hò vui mừng, cả đoàn chúng tôi ai cũng xúc động, cứ lặng người đứng nhìn. Dù vất vả nhưng đổi lại được hạnh phúc cho mọi người”, anh Hồ Hoàng Liêm kể.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam) là người hỗ trợ nhóm Câu lạc bộ Nụ cười hồng triển khai mô hình rạp phim ở các điểm trường lẻ. Thầy cho biết: Chúng tôi gọi là “rạp phim 3 trong 1”.

Ngoài việc chiếu phim cho các em vui chơi, hệ thống này còn phục vụ cho các thầy cô dạy – học theo phương pháp hiện đại, khai thác được kho học liệu số khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Với các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, vui chơi còn hạn chế thì “rạp chiếu phim” còn là phương tiện để các em sinh hoạt tập thể; giúp học sinh tiếp cận những điều mới mẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.