'Đưa' trường học đến với học sinh vùng cao đón năm học mới

GD&TĐ - Học sinh vùng cao ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được học trong những lớp học khang trang thay lớp học tạm.

Tiết mục văn nghệ của Trường PTDTBT- THCS Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, tỉnh Điện Biên.
Tiết mục văn nghệ của Trường PTDTBT- THCS Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, tỉnh Điện Biên.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Điện Biên đã tham dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 và đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I tại Trường PTDTBT- THCS Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, tỉnh Điện Biên.

Nhân dịp Lễ khai giảng, đoàn công tác đã trao tặng 20 suất học bổng cho 20 em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trao biển chương trình “Nuôi em” hỗ trợ bữa ăn trưa trong năm học mới 2023-2024 và áo ấm cho 3.200 em học sinh dân tộc thiểu số tại các điểm trường khó khăn của huyện Điện Biên Đông trị giá 4,5 tỷ đồng; trao biển hỗ trợ 3 công trình “Trường đẹp cho em” cho các điểm trường trị giá 1,3 tỷ đồng, trao tặng 2 “Cây cầu hạnh phúc” trị giá 700 triệu đồng.

Ngay sau Lễ khai giảng, đoàn công tác đã tổ chức Lễ Khánh thành 2 công trình “Trường đẹp cho em” khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng 2 công trình “Trường đẹp cho em” tại trường PTDTBT Tiểu học Phì Nhừ, xã Phì Nhừ và trường PTDTBT TH&THCS Tân Lập, xã Háng Lìa (mỗi trường bao gồm 3 lớp học trị giá hỗ trợ 550 triệu đồng/trường) và khởi công công trình “Cầu hạnh phúc” tại bản Tìa Ghếnh, xã Sa Dung (trị giá 350 triệu đồng) góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho học sinh nơi đây.

Đồng thời, đoàn đã thăm hỏi, trao tặng túi quà an sinh cho 100 hộ gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tổng trị giá quà tặng, công trình thanh niên dành tặng các em học trong năm học 2023-2024 trong khuôn khổ Chương trình là gần 6,6 tỷ đồng.

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho biết “Việc Khánh thành các công trình “Trường đẹp cho em” bàn giao các lớp học kiên cố, khang trang và tiếp tục khởi công các công trình Cầu hạnh phúc giúp đi lại thuận lợi cho học sinh là món quà hết sức ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, đồng hành cùng các em học sinh vùng cao khó khăn của tổ chức Đoàn, Hội, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.

Đặc biệt ngay trong ngày đầu khai giảng năm học mới, chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, nâng cao chất lượng học tập, giảm thiểu tình trạng bỏ học của học sinh tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn”.

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia, tặng quà cho học sinh năm học mới.
Chị Đỗ Thị Kim Hoa, giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia, tặng quà cho học sinh năm học mới.

Phấn khởi khi học sinh được học trong ngôi trường mới, cô Lan, 31 tuổi - giáo viên tại Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Năm học 2023-2024, nhờ có sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ của Trung ương Đoàn, trường đã được xây mới 3 phòng học khang trang hơn rất nhiều. Tôi rất vui mừng khi trường đã được cải thiện rất nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cảm ơn tấm lòng của Trung ương Đoàn, các lãnh đạo tỉnh, huyện với ngôi trường trên vùng cao để hiểu hơn về những khó khăn của các thầy cô giáo và các em nhỏ vùng cao”.

Tương tự, ông Sầu A Sềnh, trưởng bản Tìa Ghếnh, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chia sẻ “Khi chưa có chiếc cầu này bà con ở trong bản Tìa Ghếnh và các bản lân cận đi lại rất khó khăn, hơn 200 em đi học rất vất vả. Bây giờ có cầu thì bà con và các cháu được đi lại thuận tiện nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Từ năm 2020 đến nay, với sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án Sức mạnh 2.000, Trung tâm Tình nguyện Quốc đã phối hợp các tỉnh, thành đoàn triển khai 300 công trình thanh niên thúc đẩy giáo dục như Trường đẹp cho em, Nhà nội trú cho em, Cầu Hạnh phúc, Nhà Hạnh phúc cho học sinh mồ côi, 405 lớp học tại 52 huyện thuộc 21 tỉnh, trị giá hơn 90 tỷ đồng.

Trong đó tại tỉnh Điện Biên đã triển khai 128 công trình, gồm 334 phòng học, 108 phòng công vụ và 89 nhà vệ sinh cho hơn 5.000 em học sinh.

Bên cạnh đó, Dự án Nuôi em hỗ trợ bữa ăn trưa cho gần 30.000 em học sinh tại tỉnh Điện Biên trị giá gần 40 tỷ đồng. Các hoạt động thiện nguyện của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trong thời gian qua đã mang đến nguồn động viên tinh thần, vật chất có ý nghĩa to lớn đối với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại nhiều địa phương, góp phần chung tay cùng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030."

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.