Đây là công trình áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, xanh, sạch và rẻ tiền, có thể ứng dụng cho những quy mô nhỏ ở các làng, bản và những nơi có điều kiện khó khăn.
Trường THPT Mùn Chung là cơ sở dạy và học nội trú với hơn 330 học sinh và khoảng 40 thầy cô giáo. Nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện dạy, học và điều kiện sống, trong đó có vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Vào mùa khô, thầy và trò phải đi bộ hơn 5km đường rừng núi để tìm nguồn nước dẫn về trường. Nguồn nước ít không đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, vì vậy, thầy cô và các em thường xuyên phải sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn để sinh hoạt.
Theo bà Nguyễn Thục Hạnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đến nay, công trình đã được đưa vào vận hành và cấp nước ổn định cho điểm trường với công suất 100m3/ngày đêm với chất lượng nước hợp vệ sinh. Không chỉ cung cấp nước sạch cho hơn 300 thầy và trò trường THPT Mùn Chung, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho cụm trường tiểu học, mầm non Mùn Chung, cụm dân cư xung quanh với khoảng 2.000 người.
GS.TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho biết, mô hình cung cấp và xử lý nước sinh hoạt này nhỏ gọn, tiết kiệm, đem lại hiệu quả cao, phù hợp để triển khai tại nhiều địa phương với các địa hình khác nhau. Việc ứng dụng hiệu quả những nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực đã và đang cải thiện đáng kể điều kiện giáo dục, sinh hoạt cho đồng bào khó khăn, vùng sâu vùng xa góp phần đàm bảo an sinh xã hội an ninh quốc phòng ở địa phương.
Được biết, chương trình bắt đầu được xây dựng kế hoạch triển khai từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018. Công trình đã giải quyết các vấn đề khoa học gồm: Tìm kiếm nguồn nước, cấp nước về trường, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt với điều kiện tiết kiệm năng lượng.