Đưa “nữ quyền” vào bài giảng

GD&TĐ - Sau khóa học Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo, chị Phan Thị Vóc - giảng viên bộ môn Tâm lý GD - Trường ĐH Tây Bắc báo cáo lãnh đạo khoa, bộ môn kế hoạch lồng ghép vấn đề giới vào 6 nội dung bài giảng học phần Tâm lý học.   

Tự tin thuyết trình chủ đề bình đẳng giới. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tự tin thuyết trình chủ đề bình đẳng giới. Ảnh nhân vật cung cấp.

Câu đầu tiên chị nhận được mang sắc thái rất “lăn tăn”: Trường mình, bộ môn mình có gì về giới đâu mà phải đặt vấn đề bình đẳng giới?

Hóa ra, lâu nay bố mẹ em mang định kiến giới…

Không chỉ lãnh đạo, cả các giảng viên khi nghe nói về giới cũng thấy lạ. Nhưng sau khi chị Phan Thị Vóc trình bày cách thức, nội dung, đưa ra các ví dụ thuyết phục, mọi người đều thấy rằng, việc lồng ghép vấn đề giới vào bài giảng Tâm lý học khiến nội dung giảng dạy phong phú, hấp dẫn hơn.

Việc cung cấp kiến thức về giới sẽ giúp nữ SV tích cực, tự tin khi tham gia các hoạt động của lớp/đoàn. Từ nhận thức, SV có thái độ đúng đắn trong cách nhìn nhận các vấn đề về định kiến giới và bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, xã hội, có hành vi ứng xử phù hợp; đặc biệt tạo ra sự bình đẳng thực chất trong công việc giữa nam và nữ.

Lãnh đạo khoa/bộ môn nhất trí cao việc chia sẻ bài giảng này để tất cả các giảng viên trong bộ môn sử dụng.

Việc là lồng ghép vấn đề giới vào bài giảng bộ môn Tâm lý học rất “thuận” cả về nội dung lẫn đối tượng học. Chị Vóc chọn một khía cạnh nhỏ trong bài giảng để lấy các ví dụ liên quan đến giới, bình đẳng giới, định kiến giới ngay trong cuộc sống để minh họa.

Như trong bài quan hệ xã hội, nền văn hóa xã hội và tâm lý, nhấn mạnh sự phát triển về giới diễn ra như thế nào phụ thuộc vào việc họ lĩnh hội nền văn hóa xã hội ra sao. Nếu nữ giới thấy thích xây dựng, nam giới thích may vá, họ có thể học hỏi.

Nam và nữ đều lĩnh hội nền văn hóa xã hội để hình thành nhân cách cho mình, không phân biệt về giới, tạo ra sự bình đẳng giới. Trên thực tế, không ít người thường định hướng nữ nên thế này, nam nên thế khác, vô hình trung thể hiện định kiến về giới…

SV khi được tiếp cận các vấn đề về giới rất thích thú và chia sẻ nhiều câu chuyện của bản thân.

Có SV kể bố mẹ không muốn em đi học ĐH, nói con gái học cao không để làm gì. Kinh tế gia đình cũng khó khăn nên bố mẹ em chỉ muốn “đầu tư” cho em trai. Nữ SV đã phải cố gắng, nỗ lực mới có mặt trên giảng đường hôm nay.

“Khi cô gợi mở vấn đề. Em mới nhận ra bố mẹ mang định kiến giới, cho rằng con trai thì đi học cao, ra xã hội, còn con gái thì ở nhà chứ không phải bố mẹ không yêu em” – cô gái trẻ chia sẻ với cô giáo và các bạn.

Nhiệm kỳ tới, chúng em sẽ ứng cử!

Điểm đặc biệt là SV sư phạm đa số là nữ giới, nhưng đội ngũ lãnh đạo của lớp, của Chi đoàn lại chủ yếu là các em nam. Nhận thấy điều này, chị Phan Thị Vóc muốn đưa nội dung giới vào bài giảng để SV nữ tiếp cận, dần thay đổi quan điểm, thái độ, tích cực tham gia hơn nữa vào công tác lãnh đạo của lớp, của đoàn.

Học phần Tâm lý học thuộc chương trình của SV năm thứ nhất. Chị Vóc rất vui bởi sau khi học những kiến thức về giới, SV tích cực hơn trong học tập, tự tin hơn. Có nhóm SV nữ nêu quyết tâm với cô giáo: Nhiệm kỳ lãnh đạo lớp mới, chúng em sẽ ứng cử!

Khi giảng về vấn đề giới, định kiến giới, bình đẳng giới, chia sẻ với SV, chị Vóc thường lấy ví dụ ngay chính bản thân trước và sau khi tham gia khóa học ngắn hạn Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo do tổ chức Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) thực hiện.

Trước đây, chị Vóc không quan tâm đến vấn đề về giới, không thích tham gia vào công tác lãnh đạo của bộ môn hay bất kỳ công việc nào khác. Nhưng sau khi tham gia khóa học, chị có sự thay đổi, quan tâm đến các vấn đề về giới và trong đợt quy hoạch cán bộ, chị đã tham gia, không từ chối như mọi khi.

Chị Vóc cũng chia sẻ hình ảnh, câu chuyện cuộc đời của những người bạn trong khóa học, các chuyên gia Australia - những người phụ nữ nghị lực, can đảm và cũng rất thành công trong lĩnh vực của mình cho SV. Câu chuyện người thực việc thực đó đã truyền cảm hứng cho các em SV rất nhiều.

Chị Phan Thị Vóc bật mí đối tượng chị dành thời gian “chăm sóc” nhiều hơn trong mỗi giờ lên lớp là các lưu học sinh (LHS) Lào. Học năm thứ nhất, vốn từ chưa nhiều nên có phần khó khăn trong tiếp thu kiến thức, lại sinh hoạt, học tập ở nơi lạ nên các em khá rụt rè.

Do khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên có thể LHS Lào nghe giảng về giới chưa hiểu hết ngóc ngách vấn đề, nhưng cơ bản, các em rất hứng thú, nhiệt tình thảo luận và chia sẻ cho các bạn trong lớp về quan niệm, định kiến giới ở quê nhà.

“Hiện, các em có thay đổi tuy chưa nhiều. Thời gian tới sẽ có nhiều lưu học sinh Lào đến học tập, tôi muốn các bạn thay đổi ngay chính trong nhận thức của mình để thấy rằng nếu cố gắng, nỗ lực, các em sẽ tự tin như các SV Việt Nam” – chị Phan Thị Vóc kỳ vọng.

Theo tôi, việc đưa kiến thức vào bài giảng rồi chia sẻ với các đồng nghiệp cũng là một kênh thông tin để các giảng viên nắm bắt thêm kiến thức về giới, sau đó lan tỏa đến các SV của mình. Tôi sẽ dành thời gian để xây dựng bài giảng, triển khai ở các học phần khác, không chỉ ở học phần Tâm lý học như hiện tại - Giảng viên Phan Thị Vóc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ