Đưa nhạc cổ điển tới gần khán giả

GD&TĐ - Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh vừa có đêm nhạc độc tấu “Kính vạn hoa” (Kaleidoscope) tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội gồm các biến tấu đặc sắc dành cho piano solo, trong đó phải kể đến tác phẩm kinh điển “Ah, biết nói gì với mẹ đây” của Wolfgang Amadeus Mozart hay “Vũ điệu thần chết” của Franz Liszt…

Đưa nhạc cổ điển tới gần khán giả

Tìm kiếm vẻ đẹp trong âm nhạc

Tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, được trải nghiệm qua nhiều lần biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn tại nhiều quốc gia châu Âu, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh luôn cố gắng chắt lọc những điểm tinh hoa trong phong cách biểu diễn của các đồng nghiệp quốc tế và nắm bắt xu hướng mới nhất trên thế giới để đem về giới thiệu cho khán giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ.

Theo Ban tổ chức chương trình, Trang Trịnh sẽ mang đến buổi diễn các biến tấu đặc sắc dành cho piano solo, trong đó phải kể đến tác phẩm kinh điển: “Ah, biết nói gì với mẹ đây” của Wolfgang Amadeus Mozart, “Thème varié” viết cho piano của Francis Poulenc, Totentanz S.126 hay “Vũ điệu thần chết” của Franz Liszt.

Cái tên Kaleidoscope (Kính vạn hoa) có nghĩa gốc tiếng Hy Lạp là “sự tìm kiếm vẻ đẹp”, một ý niệm sâu sắc được thể hiện trong cách xoay lăng kính. Mỗi lần xoay, ta lại có thể chiêm ngưỡng được một hình khác từ cùng một số hạt màu nằm sẵn bên trong. Về lý thuyết, đó cũng chính là cách vận hành của các biến tấu trong âm nhạc. Từ một ý tưởng, một chủ đề, tác giả sáng tạo nên nhiều lát cắt, góc nhìn, phiên bản khác nhau. Ranh giới và mối quan hệ giữa sự lặp lại và mới mẻ trong nghệ thuật cũng như cuộc sống là chủ đề mà Trang Trịnh khai thác.

Chương trình được xây dựng theo phương pháp giám tuyển thường thấy trong nghệ thuật thị giác, với từng tác phẩm được chọn lựa và sắp đặt qua các tiêu chí nhất định. Đây là xu hướng mới của nghệ thuật trình diễn cổ điển quốc tế khi các nghệ sĩ, ngoài vai trò là người biểu diễn còn tham gia sâu sắc vào việc lên nội dung chương trình.

Khao khát vươn tới những điều mới lạ

Từ các tác phẩm âm nhạc cổ điển của Mozart, Mendelssohn, Beethoven, Franz Liszt, nghệ sỹ piano Trang Trịnh sẽ biến tấu để đưa đến người xem vẻ đẹp muôn màu của tác phẩm. Trang Trịnh có khao khát vươn tới những điều mới lạ, cô muốn chứng minh sự lặp lại không gây ra cảm giác nhàm chán.

Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh cho rằng: “Ngày nào cũng như ngày nào…”. Đôi khi ta cảm thấy như vậy khi cuộc sống là chuỗi những sự lặp lại. Thức dậy – làm việc – ăn và ngủ, rồi lại thức dậy. Biến tấu trong âm nhạc – có lẽ vừa là minh chứng cho khát khao muốn sống với những điều mới lạ của chúng ta vừa đặt ra một câu hỏi rằng rốt cục thì sự lặp đi lặp lại có nhất thiết phải là điều đáng ngán đến thế? Chẳng phải luôn luôn chỉ có cùng một số hạt màu trong một ô kính vạn hoa hay sao?”.

Qua buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển, khán giả có thể hiểu hơn những suy tưởng cũng như nỗ lực lao động nghệ thuật mà nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh đã trải qua. “Âm nhạc của tôi cũng là loại âm nhạc đòi hỏi người nghe phải bước chậm để thưởng thức, phải lắng để thực sự nghe” - nghệ sĩ chia sẻ.

Trong bối cảnh sân khấu Việt không còn sáng đèn thường xuyên, thì hiện tượng nhạc giao hưởng, piano thu hút đông giới trẻ quả là đáng được cổ vũ. Những nỗ lực thời gian qua của nhiều nghệ sĩ trong việc đi tìm khán giả là hướng đi tích cực cho âm nhạc cổ điển. Những người hoạt động nhạc cổ điển bây giờ đang cố gắng gần hơn với công chúng, luôn tìm cách làm mới nhạc hàn lâm để thu hút khán giả.

Năm 2015, Trang Trịnh được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại Việt Nam. Mới đây, vào đầu năm 2018, cô được trao tặng danh hiệu ARAM (Associateship of the Royal Academy of Music) cho những cống hiến tiêu biểu cho nền âm nhạc chuyên nghiệp thế giới.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ