Đưa ngoại ngữ lên biên giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục, thầy Nguyễn Minh Hóa đã nỗ lực vượt khó, đưa ngoại ngữ đến với học trò vùng biên viễn xa xôi.

Thầy Hoá đang dạy Tiếng Anh cho học sinh.
Thầy Hoá đang dạy Tiếng Anh cho học sinh.

Thượng sơn dạy chữ...

Tháng 3, trong trong cái nắng hanh của vùng cao Tây Bắc, tôi có dịp đồng hành cùng thầy Nguyễn Minh Hóa thượng sơn lên vùng biên giới nơi thầy công tác. Thầy Hóa là giáo viên Tiếng Anh tại Trường PTDT bán trú THCS xã Mường Cai (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Nơi đây giáp với nước CHDCND Lào.

Ngồi trên chiếc xe máy "cà tàng" đã gắn bó với thầy Hoá suốt hơn 20 năm qua, hai người chúng tôi vượt qua 16km đường sỏi đá. Cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, cả hai gồng mình, nín thở băng qua các khúc đường dốc cheo leo, khúc khuỷu. Bảo đảm an toàn, thầy Hoá liên tục dồn về số 1, kết hợp với phanh hãm cho xe khỏi rơi xuống vực.

Thầy Hoá vừa lái xe, vừa kể về hành trình đưa Tiếng Anh đến với điểm trường vùng biên viễn này. Năm nay, thầy Hóa có thêm nhiệm vụ mới, đó là dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại xã Mường Cai thay vì chỉ phải dạy cấp THCS như trước.

Thầy Hoá đang hướng dẫn học sinh học bài.

Thầy Hoá đang hướng dẫn học sinh học bài.

“Khó khăn dạy con chữ ở các điểm trường giáp biên giới không phải của riêng mình tôi, mà các giáo viên dạy những điểm trường khác đều như vậy. Để mang những vần chữ tiếng Anh đến với các em, bản thân tôi luôn tâm niệm: Phải cố gắng hết sức, làm hết chức trách nhiệm vụ của mình. Từ đó, mang kiến thức bổ ích đến với các em, giúp các em hướng tới tương lai rộng mở”, thầy Hoá thổ lộ.

Thầy Hóa sinh ra và lớn lên tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Thầy tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2002. Rời trường Đại học, thầy nắn nót từng chữ trong đơn tình nguyện xin vào dạy học tại huyện Sốp Cộp. Năm 2009, thầy chuyển về công tác tại Trường PTDT bán trú THCS xã Mường Cai, huyện Sông Mã và ổn định cho đến nay.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Hóa không ngừng nỗ lực và phấn đấu vượt qua mọi gian nan. “Các em học sinh ở đây đa số là con em người dân tộc thiểu số, có lúc rất nhút nhát và kiệm lời. Tuy nhiên, khi thấy tôi chia sẻ về cách đọc và cách đánh vần bằng tiếng Anh, các em rất thích thú. Đối với tôi, niềm vui khi đến lớp dạy chữ là khi nhìn thấy các em cười”, thầy Hoá vui vẻ nói.

Câu chuyện thầy Hóa đang kể bị ngắt quãng khi điểm trường tiểu học bản Háng Lìa (Trường PTDT bán trú THCS xã Mường Cai) dần hiện ra trên đỉnh dốc cheo leo. Xung quanh điểm trường được bao phủ bởi làn sương trắng bồng bềnh, trông rất mộc mạc và tĩnh lặng. Điểm trường này có 6 lớp, chủ yếu là con em hai bản biên giới Huổi Khe và Háng Lìa (xã Mường Cai) theo học. Thầy Hóa nhanh tay phủi bộ quần áo đã ngả vàng vì bụi bám, xách cặp bước vào lớp học. Gần 30 học trò người Mông đang háo hức ngồi chờ thầy đến để dạy chữ.

Bằng cả tình thương và trách nhiệm...

“Với những đứa trẻ vốn nói tiếng Việt chưa sõi thì việc học thêm ngôn ngữ nước ngoài lại càng khó. Vì năm học này, lần đầu các em được tiếp xúc với môn tiếng Anh. Cùng với đó, do sống ở bản, ít xuống khu trung tâm nên khả năng giao tiếp tiếng phổ thông của các em còn hạn chế. Khi tôi giảng bài, các em chưa hiểu hết được ý truyền đạt, việc tiếp thu kiến thức cũng chậm hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa sống ở những nơi phát triển hơn”, thầy Hoá nói.

Thầy Hoá đang lấy ví dụ thực tế về cảnh vật, các loại cây bằng tiếng Anh để giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh hơn.

Thầy Hoá đang lấy ví dụ thực tế về cảnh vật, các loại cây bằng tiếng Anh để giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh hơn.

Không có máy chiếu, tivi, cũng chẳng có mạng Internet được kết nối trực tuyến, nhưng giờ học tiếng Anh của thầy Hoá diễn ra rất sôi nổi. Bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi của học trò điểm trường lẻ, thầy Hóa đã chu đáo chuẩn bị nhiều dụng cụ mô phỏng như: Bản đồ, quả địa cầu, băng catset, bảng chữ cái... Cùng với đó, trong tiết học, thầy Hoá còn lấy các con vật, loại cây có sẵn trong bản làm ví dụ minh họa cho bài giảng. Bằng những lối dẫn dắt tinh tế, cuốn hút, thầy Hoá đã tạo cho các em học sinh nơi đây những giờ học vui và bổ ích.

“Giảng dạy ở khu vực biên giới, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Bước đầu sẽ cho các em làm quen với những thứ đơn giản nhất, học những từ đơn lẻ. Vừa dạy vừa chơi cùng các em, đặc biệt là sử dụng hành động, ngôn ngữ hình thể... tạo hứng thú cho học sinh”, thầy Hoá cho biết.

Những từ tiếng Anh lạ lẫm vang vọng khắp bản, như mang thế giới xích lại gần hơn với học trò vùng biên viễn. Dẫu biết còn khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng khi hỏi về những tiết học tiếng Anh, các trẻ nhỏ ở điểm trường Háng Lìa đều rất thích thú.

Em Sộng Thị Chi, học sinh lớp 3, điểm trường bản Háng Lìa chia sẻ: “Mới đầu học tiếng Anh của thầy Hoá dạy, em không biết phát âm như thế nào cho đúng. Lúc đó em rất sợ và rụt rè. Sau 1 thời gian được thầy hướng dẫn ân cần, em thấy rất thích học và cảm thấy rất vui”.

Ở khắp các dải đất biên cương, vùng sâu, vùng xa tại Sơn La vẫn cần lắm những người thầy như thầy Hóa. Nơi đây vốn đã khó khăn, nay lại thêm thiếu thốn.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn tiếng Anh, hàng năm huyện Sông Mã vẫn tổ chức tuyển dụng, song luôn gặp khó vì không có nguồn tuyển. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm huyện có từ 6 – 12 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 3 người. Nhằm đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh theo quy định, huyện Sông Mã phải giao thêm nhiệm vụ cho giáo viên tiếng Anh cấp THCS kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã cho biết: Việc đưa ngôn ngữ tiếng Anh lên dạy ở các điểm trường vùng cao, thực sự là thử thách và cũng là nỗ lực rất lớn của ngành. Bởi, các giáo viên vốn đã vất vả, nay khối lượng công việc tăng gấp đôi nên không tránh khỏi áp lực cho các thầy cô. Chưa kể những nơi thiếu giáo viên chủ yếu là điểm trường vùng sâu, vùng xa.

“Giáo viên tiếng Anh trên địa bàn huyện đang thiếu. Vì vậy lượng thời gian làm việc của các thầy cô tăng so với quy định. Phòng cũng động viên nhà trường, giáo viên, bằng trách nhiệm với nghề, với học sinh để nỗ lực vượt khó. Phía ngành sẽ phối hợp với các cấp, để kiến nghị đề xuất có chính sách hỗ trợ với giáo viên dạy tăng thêm”, ông Viên cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ