Đưa môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào THPT thuận lợi cho học sinh phát triển năng khiếu

GD&TĐ -  Ngay từ sớm học trò có thể xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể để theo đuổi ngành nghề mình yêu thích trong tương lai.

Giờ học Mỹ thuật của học sinh Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giờ học Mỹ thuật của học sinh Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Chương trình GDPT 2018 bậc THPT có môn Âm nhạc, Mỹ thuật tạo điều kiện cho học sinh có nguyện vọng lựa chọn tổ hợp có hai môn này được học tập, rèn luyện bài bản và quá trình hướng nghiệp, chọn nghề cũng thuận lợi hơn.

Cơ hội hướng nghiệp học sinh

Theo cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn: “Trước đây khi học sinh lựa chọn thi các tổ hợp có môn năng khiếu Âm nhạc, Mỹ thuật các em gần như phải tự thân vận động, tìm cơ sở, lò luyện các môn năng khiếu này để học chuyên sâu rất vất vả bởi nhà trường không có giáo viên chuyên môn để giảng dạy, hỗ trợ học trò.

“Bên cạnh đó, các thầy cô chuyên môn sẽ hỗ trợ, định hướng, cố vấn giúp học trò tiếp cận với hình thức, yêu cầu của thi cử; các em sẽ không còn là thế bị động như trước đây”, cô Vương Xuân Thuận nhấn mạnh.

Chương trình môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở lớp 10 được đưa vào dạy với những nội dung không quá chuyên sâu; các chuyên đề thiết kế gần gũi; những kiến thức phổ thông mang tính định hướng, do vậy học sinh sẽ không bị áp lực. Đặc biệt, đối với các em đã được gia đình đầu tư đào tạo bài bản hay có đam mê từ ở tiểu học và THCS cũng có thể tiếp tục theo đuổi môn học theo nguyện vọng của mình mà không bị ngắt quãng”.

Tương tự, cô Lê Thị Anh – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT N’ Đắk G’Long (Đắk G’long, tỉnh Đăk Nông) nhìn nhận: “Việc đưa các môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất phù hợp. Các nội dung học giúp học sinh có năng khiếu nghệ thuật được định hướng nghề nghiệp sớm.

Các em có định hướng khi chọn trường, ngành mình mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT. Trước đó, nhiều thí sinh có năng khiếu rất thiệt thòi, nhiều em múa hát hoặc vẽ rất giỏi nhưng phải rẽ lối vì trong trường phổ thông không giảng dạy môn này, gia đình lại không có điều kiện cho con đi học chuyên sâu ở ngoài”.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Lê Thị Anh cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn hiện nay các trường đang gặp phải là thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn hạn chế.

Một tiết học âm nhạc trong trường phổ thông. Ảnh TT.

Một tiết học âm nhạc trong trường phổ thông. Ảnh TT.

Coi trọng phát triển năng lực cá nhân

Chương trình GDPT 2018 đặt ra mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội.

Chương trình cũng coi trọng việc phát triển năng lực cá nhân để người học có cá tính sáng tạo, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Bên cạnh các công thức toán học, vật lý, hoá học… đòi hỏi phải chính xác thì học sinh cũng rất cần những giai điệu của âm nhạc, đường nét hình khối, màu sắc của hội hoạ để cân bằng cảm xúc, giảm căng thẳng trong quá trình học tập.

“Khi hai môn học này được đưa vào chương trình chung sẽ giúp học trò biết yêu, biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp thì sẽ hình thành nên những hành vi đẹp. Đó là giá trị kép khi các em được theo học môn Âm nhạc và Mỹ thuật trong nhà trường. Đây không đơn thuần là môn học, mà còn giúp học sinh cảm nhận được giá trị của chân - thiện - mỹ”, cô Minh Tuyết nhấn mạnh.

Còn cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cho biết thêm: “Môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT giúp học trò có những trải nghiệm đa dạng trong học tập nên nhiều hoạt động ngoại khóa sẽ được lồng ghép thêm hai môn học này. Các câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ mỹ thuật của nhà trường khi sinh hoạt sẽ có sự đồng hành, định hướng của thầy cô chuyên môn sâu về hai lĩnh vực này”.

Với mục tiêu để học sinh phát triển những thế mạnh của mình, tại Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) rất chú trọng đến các môn năng khiếu. Cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Quá trình định hướng nghề nghiệp trong tương lai rất quan trọng với học sinh bậc THPT. Do đó, khi đưa môn năng khiếu vào giảng dạy chúng tôi luôn coi trọng công tác tuyển chọn đội ngũ giáo viên đủ năng lực đáp ứng chương trình, chất lượng. Ngoài ra, họ phải là người có khả năng hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho những học sinh có thiên hướng năng khiếu để các em phát huy thế mạnh của mình”.

Theo cô Thu Hà, ngoài những tiết học trực tiếp tại lớp, Trường THCS & THPT Phenikaa còn thành lập các câu lạc bộ để tạo môi trường sinh hoạt, tạo điều kiện để các em được cọ sát, chia sẻ kinh nghiệm học tập giữa học sinh với nhau, giữa thầy cô với học trò nhằm cân bằng về tinh thần, phát huy năng lực, năng khiếu cho các em.

Đây cũng là cách giúp các em bồi dưỡng lòng tự tin, bản lĩnh sân khấu để tham gia biểu diễn, đăng ký dự thi hay xét tuyển vào chuyên ngành một trường nghệ thuật thì các em không bị động hay bỡ ngỡ.

Cô Đoàn Thu Hà cho biết thêm, không chỉ những học sinh học năng khiếu được phát triển khả năng của mình mà chính những học sinh không theo tổ hợp này ngoài thời gian học tập chính khóa, các em cũng có thể lựa chọn tham gia hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt câu lạc bộ để thư giãn, giảm những áp lực căng thẳng trong học tập.

“Trong chương trình THPT có các môn Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các em có hệ thống kiến thức bài bản, quy củ, tạo điều kiện cho các em dễ dàng trong lựa chọn nghề nghiệp theo khả năng, sở thích của mình”, cô Trần Thị Minh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.