Đưa hát dân ca vào trường học Thủ đô

GD&TĐ - Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã đưa hát chèo, quan họ Bắc Ninh vào giảng dạy.

Học sinh được trải nghiệm hát quan họ, hát chèo từ các nghệ sĩ, liền anh, liền chị. Ảnh: NTCC
Học sinh được trải nghiệm hát quan họ, hát chèo từ các nghệ sĩ, liền anh, liền chị. Ảnh: NTCC

Đây là nỗ lực đổi mới dạy và học, giúp học sinh tiếp cận sớm với các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Giữ gìn giá trị truyền thống

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa hát chèo, quan họ vào giảng dạy cho học sinh lớp 5. NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cho biết, ngoài dạy Âm nhạc theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường lồng ghép thêm một số tiết học phù hợp lứa tuổi học sinh. Đơn cử, đối với lớp 1 dạy thêm phần cảm thụ âm nhạc, lớp 2 dạy đàn piano, lớp 3 và 4 dạy hợp xướng. Riêng khối lớp 5, dạy hát quan họ và chèo.

Theo NGND Nguyễn Thị Hiền, mỗi bộ môn (hát chèo, quan họ) đều gắn liền với một ý nghĩa. Quan họ và chèo không đơn thuần là bộ môn truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, có giá trị lưu truyền tri thức dân gian. Học sinh khi được tiếp xúc, học quan họ và chèo từ sớm sẽ hình thành nhận thức về việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

“Học sinh lớp 5 được học 2 bài quan họ “Khách đến chơi nhà” lời cổ, “Lý cây đa” và làn điệu chèo cổ “Thắt lưng xanh” (hề mồi). Vừa qua, nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa đưa học sinh đi xem chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam, đồng thời mời đoàn chèo về biểu diễn và hướng dẫn cho học sinh. Các em được chia nhóm, thử vai với trích đoạn ngắn…”, NGND Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Tiết dạy hát chèo, quan họ tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội được học sinh hào hứng đón nhận. Ảnh: NTCC

Tiết dạy hát chèo, quan họ tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội được học sinh hào hứng đón nhận. Ảnh: NTCC

Lan tỏa tình yêu quê hương đất nước

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn dân ca quan họ và chèo cho học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cô Phạm Thị Hà Phương - giáo viên Âm nhạc - cho biết, cô chưa dạy hát quan họ hay chèo bao giờ nhưng khi trường đưa vào chương trình giảng dạy thì rất phấn khởi. Ban giám hiệu nhà trường mời NSND Thanh Ngoan (chèo), NSND Thúy Hường (quan họ) về đào tạo cho giáo viên âm nhạc. Qua đó, giáo viên được giới thiệu về xuất xứ văn hóa của hai bộ môn nghệ thuật, các làn điệu cổ cũng như trang phục... Học hai bộ môn này không dễ nhưng cô rất vui vì được giới thiệu gia tài âm nhạc quý giá của cha ông đến với học trò.

Cô Phạm Thị Hà Phương cũng cho biết, dù mô hình dạy quan họ và chèo còn mới nhưng được học sinh, phụ huynh đón nhận nhiệt tình. “Bắt đầu vào nhập môn giáo viên có một tiết giới thiệu, giải thích cụ thể cho các em hiểu thế nào là dân ca quan họ và hát chèo. Sau đó, giáo viên sẽ lần lượt dạy các làn điệu quan họ, làn điệu chèo. Việc vừa học lời vừa được thực hành khiến học sinh rất hào hứng. Sau khi học xong bài quan họ đầu tiên, sang đến bài thứ hai chỉ cần dạy trổ 1, học sinh có thể tự hát trổ 2. Hằng năm, khi tổng kết học kỳ, nhà trường tổ chức hoạt động thi đua văn nghệ để học sinh biểu diễn quan họ và chèo. Mỗi buổi biểu diễn đều đem đến cho các em sự thích thú…”, cô Phương nói.

Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội tham gia tiết học hát Chèo. Ảnh: NTCC

Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội tham gia tiết học hát Chèo. Ảnh: NTCC

Nguyễn Quế Chi (lớp 5A12, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội) kể, trước đây, em không biết dân ca quan họ là gì nhưng được cô giáo và các cô chú nghệ sĩ dạy, em đã biết hát 2 bài quan họ. “Về nhà em thường xuyên hát cho ông bà, bố mẹ nghe. Ông bà rất vui khi cháu biết hát quan họ…”, Nguyễn Quế Chi bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội, thông tin thêm, bên cạnh hoạt động giảng dạy trong nhà trường, học sinh được sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca quan họ, giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị. Các hoạt động trải nghiệm thực tế như mời trầu, kết bạn, nghe hát... giúp các em hiểu hơn về nét đặc sắc trong văn hóa quan họ. Từ đó, các em được sống và hòa mình vào chính dòng chảy quan họ của quê hương, đất nước. Nhất là việc biểu diễn hát quan họ đã trở thành nội dung trong các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ của nhà trường.

Ngoài ra, những năm qua, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội còn tổ chức các cuộc thi, đưa vào tiết mục văn nghệ tạo sân chơi để các bạn trẻ rèn luyện ứng xử, bày tỏ lòng tri ân tới những nghệ nhân dân ca quan họ, hát chèo. “Từng lời ca, tiếng hát bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho thế hệ trẻ Thủ đô. Bên cạnh đó, không khí vui tươi, phấn khởi từ tiết dạy hát quan họ, hát chèo nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội. Nhất là kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng âm nhạc…”, cô Nguyễn Thị Phương nhấn mạnh.

Được biết, trong những năm học tiếp theo, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dạy hát dân ca quan họ, hát chèo. Đồng thời, nhà trường coi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong việc bảo tồn và phát triển dân ca quan họ, hát chèo, mà còn góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước.

“Học sinh ngày nay chủ yếu nghe nhạc hiện đại mà không biết đến thể loại văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt như: Dân ca quan họ, hát chèo. Bởi vậy, nhà trường đưa hai loại hình này vào chương trình học chính thức với mong muốn góp phần bồi đắp tâm hồn, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho các em…”. - NGND Nguyễn Thị Hiền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.