Đưa cồng chiêng vào trường học

GD&TĐ - Những năm qua, ngành Giáo dục thành phố Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động dạy học gắn với cồng chiêng, múa xoang.

Học sinh thành phố tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số.
Học sinh thành phố tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số.

Dạy cồng chiêng trong trường học

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005), sau được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008). Đây là niềm vui, tự hào không những của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn là của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, do đặc điểm và nhiều nguyên nhân khác nhau, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có nguy cơ mai một. Để gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc, những năm qua, ngành GD-ĐT TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã đẩy mạnh dạy cồng chiêng, múa xoang trong trường học.

Vợ chồng bà Y Gah (50 tuổi, xã Chư Hreng, TP Kon Tum) từ nhỏ đã yêu thích và đam mê văn hoá truyền thống dân tộc. Chồng bà Y Gah học đánh cồng chiêng từ ông ngoại và những người già trong làng, còn bà lại say mê với điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển.

Bà Y Gah cho biết, hiện giới trẻ không mấy mặn mà với văn hoá truyền thống dân tộc nên khi hay tin các trường học đưa cồng chiêng, múa xoang vào giảng dạy thấy vui và hạnh phúc. Chồng bà Y Gah phụ trách dạy cồng chiêng còn bà hướng dẫn các em múa xoang vào những ngày rảnh rỗi.

“Khi Trường THCS Chư Hreng nhờ dạy cồng chiêng và múa xoang cho học sinh vợ chồng tôi vui lắm. Bởi lớp trẻ hiện nay đa số yêu thích các loại nhạc cụ, nhảy hiện đại. Tôi mong rằng nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động giáo dục địa phương này. Qua đó các em có thể gìn giữ và phát huy được văn hoá truyền thống của dân tộc”, bà Y Gah chia sẻ.

3 tuần qua, những ngày rảnh rỗi, em Y Khan (lớp 6B, Trường THCS Chư Hreng) lại đến nhà vợ chồng bà Y Gah học cồng chiêng, múa xoang.

“Từ nhỏ em được xem người già trong làng biểu diễn cồng chiêng, múa xoang nên rất thích. Mãi đến giờ em mới có dịp được học nên vui lắm. Vừa qua em được mặc quần áo truyền thống biểu diễn trong Liên hoan Cồng chiêng, múa xoang. Em sẽ cố gắng học chăm chỉ để hiểu hơn bản sắc của dân tộc”, em Y Khan bộc bạch.

Cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (TP Kon Tum) cho biết, những năm trước khi còn công tác tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọk Bay, TP Kon Tum) nhà trường luôn chú trọng, lồng ghép trải nghiệm văn hoá dân tộc, đan lát… vào sinh hoạt ngoại khoá. Với những học sinh yêu thích, đam mê văn hoá cồng chiêng, nhà trường mời nghệ nhân ở làng về tập, tạo thành đội cồng chiêng của trường.

“Đa số học sinh Trường Đặng Trần Côn là dân tộc thiểu số nên việc dạy cồng chiêng rất quan trọng và cần thiết. Trong những năm qua, nhà trường luôn có đội cồng chiêng với vài chục em tham gia. Đặc biệt phụ huynh cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chuyển công tác sang ngôi trường mới, tôi tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để học sinh tiếp cận với văn hoá truyền thống, phù hợp với địa phương nơi các em sinh sống”, cô Lan chia sẻ.

Học sinh nữ trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc nhịp nhàng điệu xoang.

Học sinh nữ trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc nhịp nhàng điệu xoang.

Tạo sân chơi văn hoá cho học sinh

Nhằm tạo sân chơi bổ ích để các em được giao lưu, chia sẻ, học hỏi và tìm hiểu thêm về văn hoá, biểu diễn cồng chiêng, 2 năm một lần Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số.

Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho hay, cùng với chuyện kể sử thi, tiếng đàn T’Rưng, đàn Klong Pút... thì âm vang cồng chiêng đã gắn bó máu thịt với đời sống tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên từ ngàn đời. Do đó, ngành Giáo dục luôn chú trọng, quan tâm và chỉ đạo các trường gìn giữ, phát huy văn hoá truyền thống.

Theo ông Hoà, trong những năm qua, ngoài hướng dẫn học sinh múa xoang, đánh cồng chiêng, đàn T’Rưng, các trường thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức dạy về văn hoá truyền thống. Những buổi hoạt động ngoại khoá, lễ hội đều có các đội cồng chiêng, múa xoang của nhà trường tham gia biểu diễn. Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc.

“Với Chương trình GDPT 2018, nội dung môn Giáo dục địa phương, các trường đã đưa cồng chiêng, múa xoang vào dạy học. Bên cạnh đó, ở các thôn, làng nghệ nhân cũng nhiệt tình hỗ trợ, phối hợp với nhà trường dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Qua hơn 10 năm đưa cồng chiêng vào trường, học sinh rất yêu thích và mong muốn phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Không những vậy nhiều trường học đã cho học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường hoặc trong các buổi chào cờ đầu tuần, lễ hội, ngoại khóa...”, ông Hoà nói.

Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum vừa tổ chức Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh, thu hút 16 đội với gần 1.100 học sinh tham dự. Trải qua 5 lần tổ chức, những tiết mục của học sinh được chuẩn bị kỹ lưỡng và trình diễn chuyên nghiệp hơn. Thông qua Liên hoan, ngành Giáo dục muốn thế hệ trẻ nhận thức về vai trò của cồng - chiêng - múa xoang trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội dân gian. Chính vì vậy, việc dạy học sinh đánh cồng chiêng, múa xoang là một trong những nội dung thường xuyên được tập luyện ở các trường. Bên cạnh đó, lồng ghép hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vui chơi, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ