Đưa di sản văn hóa vào trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua, các bảo tàng ở TPHCM đã đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục trong hoạt động ngoại khóa.

Học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình hào hứng học tập môn Lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình hào hứng học tập môn Lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa.

Nhờ đó việc tiếp cận kiến thức về văn hóa, lịch sử của học sinh không còn dừng lại ở bài giảng trên lớp, mà đã trở thành buổi sinh hoạt ngoại khóa hấp dẫn.

Tăng cường công tác phối hợp

Tháng 9/2022, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết kế hoạch liên tịch phối hợp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học ở các bảo tàng, trường học. Cụ thể, năm học 2022 - 2203, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục, các trường sẽ chủ động lựa chọn nội dung, hình thức giảng dạy di sản văn hóa phù hợp. Nội dung dạy học di sản văn hóa được lồng ghép vào các môn học như: Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc và trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao có liên quan đến chủ đề di sản. Song song với đó, nhà trường sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về di sản liên quan đến bài học, xây dựng hệ thống tư liệu về di sản cho chủ đề dạy học.

Theo nội dung ký kết giữa Sở GD&ĐT với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, các đơn vị bảo tàng sẽ phối hợp với trường học đưa học sinh đến tham quan cũng như đưa di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới. Cùng với đó là có chế độ miễn giảm vé vào cổng cho học sinh; đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng; hỗ trợ chuyên môn cho nhà trường để xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm, tổ chức trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian có sự tham gia của nghệ nhân.

Các bên phối hợp xây dựng chương trình tham quan kết hợp tổ chức hoạt động mang tính giáo dục thông qua trò chơi, giao lưu với nghệ nhân, nhân chứng, chuyên gia, trải nghiệm, hướng nghiệp... trong thời gian 2 tiết học, bảo đảm nhẹ tính học thuật, tăng tương tác. Ngoài ra, bảo tàng sẽ xây dựng chương trình, tiết học có ứng dụng công nghệ phục vụ cho học sinh trong hành trình “Đưa bảo tàng đến trường học” bằng việc tích hợp chuyên đề trưng bày của mỗi bảo tàng vào các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, Tiếng Anh, Ngữ văn; đồng thời xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Các bảo tàng cũng phối hợp với nhà trường tổ chức hội thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa, giúp học sinh trở thành những tuyên truyền viên đầy năng động và sáng tạo…

Theo chia sẻ của ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, thời gian qua, trường học trên địa bàn đã tăng cường phối hợp với các bảo tàng tổ chức hoạt động tham quan, triển lãm di sản văn hóa và nhiều chương trình giáo dục về lịch sử, văn hóa theo cách tiếp cận mới thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến, kho học liệu số, mô hình bảo tàng Smart Museum 3D/360… gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Việc thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan khu di tích, bảo tàng trên địa bàn TPHCM sẽ giúp các em được trải nghiệm thức tế và bổ sung, trang bị kiến thức phong phú, sinh động về di sản văn hóa, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về lịch sử trong nhà trường. Qua đó khơi dậy cho các em tình yêu di sản văn hóa của quê hương, đất nước”, ông Dân cho hay.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Học sinh hào hứng trải nghiệm

Ngày 9/12 vừa qua, UBND Quận 1 đã tổ chức lễ ký kết hưởng ứng công tác chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng với trường học trên địa bàn quận gồm: Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Việc ký kết này nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Ngay sau lễ ký kết, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Hoà Bình (Quận 1) có chuyến tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Đây là một trong những đơn vị đã thực hiện chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, số hóa hiện vật, cổ vật trưng bày tại bảo tàng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác dạy và học, cũng như tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều khách tham quan.

Tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình được hướng dẫn làm quen với robot Batalis cũng như cách sử dụng để phục vụ việc tìm hiểu và tra cứu thông tin thú vị về lịch sử Việt Nam. Cũng tại đây, các em được tham quan các phòng trưng bày hiện vật dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên.

Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, việc ký kết sẽ giúp các trường chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học di sản văn hóa phù hợp với điều kiện. Bảo tàng trở thành “lớp học” thực tế thú vị, từ robot thông minh với các trò chơi giải đố về kiến thức lịch sử, văn hóa, cho đến màn hình hiển thị thông tin giúp học sinh chủ động hơn trong tìm kiếm thông tin. Qua đó, học sinh và thầy cô giáo thuận lợi trong việc khai thác, truyền tải, tiếp nhận nội dung bài học.

Cũng theo chia sẻ của cô Hương, trong những năm gần đây, Trường Tiểu học Hoà Bình tổ chức các tiết học Lịch sử thông qua hoạt động như: Buổi ngoại khóa “Đưa bảo tàng về với học đường”; hoạt động ngoài giờ lên lớp “Khám phá di sản Dinh Độc Lập online”,… Nhờ đó, môn Lịch sử đến với học sinh không còn khô khan, chỉ gói gọn thông tin trong sách giáo khoa, mà trở thành một trong những môn học được nhiều em yêu thích.

“Bên cạnh đó, học sinh được tham gia trò chơi, tra cứu thông tin từ thiết bị số hiện đại và đặc biệt là được tiếp cận với di sản văn hóa, lịch sử ngay tại thư viện, phòng truyền thống hoặc được lưu giữ rất đầy đủ tại bảo tàng trong thành phố. Trong học kỳ II của năm học 2022 - 2023, tất cả khối lớp cũng có kế hoạch cụ thể để triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc học tập, nghiên cứu và dạy học thông qua việc sử dụng di sản văn hóa”, cô Hương chia sẻ.

Sau khi tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM ngày 9/12, em Gia Cẩm Linh, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (Quận 1) chia sẻ: “Trong chuyến trải nghiệm lần này em thấy có nhiều thay đổi so với những lần trước. Bảo tàng đã cập nhật thêm nhiều thông tin mới, những phương tiện hiện đại để em và các bạn có thể chủ động hơn trong việc tự học kiến thức, từ đó hiểu hơn về lịch sử nước nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.