Đưa di sản dân ca đến gần hơn với học sinh

GD&TĐ - Theo các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa phi vật thể, việc đưa các loại hình di sản văn hóa dân ca vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường – là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này.

Rất cần giáo dục cho học sinh về những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có loại hình dân ca
Rất cần giáo dục cho học sinh về những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có loại hình dân ca

Giáo dục di sản dân ca vẫn còn chưa tương xứng

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), cùng các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình khác nhau nhằm đưa di sản vào nhà trường, giáo dục thế hệ trẻ những tri thức lịch sử, văn hoá, khoa học kỹ thuật và tăng cường kỹ năng sống.

Thực tế cho thấy, những năm qua nhiều mô hình giáo dục di sản trong nhà trường đã được xây dựng với sự phối hợp liên ngành, sự hỗ trợ cả về chuyên môn và vật chất. 

Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù đã đạt được những kết quả khác nhau, song các mô hình giáo dục di sản vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, thành viên dự án “Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam” nhận xét: Nhược điểm của đa số dự án là những người thực hiện chỉ hiểu về di sản văn hóa và truyền thống văn hóa ở mức chung chung, theo lối mòn. 

Đó là chưa kể đến hàng loạt thách thức mà chính những người thực hiện vấp phải như: Thiếu sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý giáo dục. Bản thân ngành văn hóa vẫn chưa thực sự cung cấp đủ thông tin chuyên môn về các loại hình di sản.

Còn GS Trần Văn Khê thẳng thắn trao đổi, cho đến nay, hiệu quả của việc đưa dân ca đến với thế hệ trẻ, phát huy sức sống lâu bền của dân ca trong đời sống đương đại chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Sở dĩ có nguyên nhân này là vì trong nhà trường, việc dạy và học dân ca chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, chứ chưa được đánh giá đúng vai trò, giá trị và từ đó chưa được đầu tư, chú trọng trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông.

Trao đổi với một số giáo viên, nhiều người có chung nhận xét là: Học nhạc trong nhà trường vẫn chưa thực sự đi đôi với việc thực hành; hoặc thực hành ở mức độ quá đơn giản. 

Ngoài ra, chương trình sách giáo khoa vẫn còn đơn điệu khiến cho học sinh cảm thấy không hứng thú. Mặt khác, trong số hơn 80 bài hát trong chương trình tiểu học, chỉ có một số bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến môn Âm nhạc đã không đủ sức cuốn hút học sinh.

Rất cần đưa dân ca vào trường học

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã, đang quan tâm, chú ý, hướng dẫn để các trường học triển khai đưa dạy và học dân ca vào nhà trường, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân ca.

Để khắc phục tình trạng trên, theo GS Trần Văn Khê, rất cần thiết nghiên cứu việc đưa dân ca vào trường học từ tiếp cận quản lý giáo dục. 

Theo đó, nhà trường cần xác định đầy đủ mục tiêu, nội dung của môn học, các đối tượng tham gia và hiệu quả thu được từ môn học để đạt hiệu quả tốt nhất cho hoạt động giáo dục quan trọng này.

Song điều quan trọng là, những người làm giáo dục cần xác định, việc đưa dân ca vào trường học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục nghệ thuật và giáo dục thông qua nghệ thuật. Dân ca, trước khi là một di sản văn hóa của dân tộc, đã là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.

GS. Trần Văn Khê phân tích: Xu thế giáo dục nghệ thuật và giáo dục thông qua nghệ thuật đang là xu thế phát triển trong giáo dục hiện đại ở Việt Nam và trên toàn thế giới. 

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường được xem là con đường cơ bản, có giá trị lâu dài và có tác dụng định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho thế hệ trẻ, phát hiện, ươm mầm, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật.

Vì thế, giáo dục thông qua nghệ thuật là hoạt động sử dụng nghệ thuật như một công cụ hay phương pháp để thực hiện các nội dung giáo dục khác. 

Ví dụ: giáo dục lịch sử, văn học, giáo dục công dân thông qua nghệ thuật sân khấu, giáo dục tự nhiên, môi trường thông qua mỹ thuật, tạo hình,…

Phương pháp giáo dục phối hợp này mang tính sáng tạo, linh hoạt, thu hút sự chú ý, chủ động của người học, từ đó đem lại hiệu quả học tập cao hơn. Nghệ thuật ngoài chức năng giải trí, còn gắn liền với hoạt động thực tiễn trong học tập, sinh hoạt và sáng tạo.

Vì vậy, nghệ thuật có 3 chức năng quan trọng là: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Nhà trường có thể sử dụng dân ca như một loại hình nghệ thuật để thực hiện mục tiêu giáo dục nghệ thuật theo quan điểm trên.

Trong số các loại hình văn hóa phi vật thể, dân ca (Quan họ Bắc Ninh, Ví, Giặm xứ Nghệ, ca Huế….) đã sớm được đưa vào giới thiệu trong nhà trường. 

Ngay từ năm 2004, GS. Trần Văn Khê và các cộng sự của mình lần đầu tiên thử 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh). GS. Trần Văn Khê trực tiếp đứng lớp. 

Những ưu điểm của phương pháp này là luyện tai nghe cho chính xác, vận dụng trí nhớ ghi lại trong đầu những gì thầy dạy trước khi luyện con mắt đọc đúng, đọc mau những tín hiệu của bản ký âm theo cổ truyền hay theo phương Tây.

Bên cạnh đó, GS Trần Văn Khê cũng dạy nhiều bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, bài thơ cho học sinh, sau tiết tấu đi dần đến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, phát âm và hát bằng tên chữ nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ