Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá cao mô hình Tổ hợp Đại học và Công viên phần mềm FPT khi gắn kết hữu cơ giữa đào tạo, nghiên cứu, thực hành kỹ năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thông tin cũng như các ngành khác.
Đây là mô hình hiệu quả đối với đào tạo công nghệ mới, giúp sinh viên có kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Thủ tướng cho rằng nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước và cũng là ưu thế phát triển lớn nhất chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, có ước mơ, hoài bão, ý chí sáng tạo, khởi nghiệp, vươn lên mạnh mẽ.
Đối với Đại học FPT, Thủ tướng cho rằng cần có khát vọng, tầm nhìn, đặt mục tiêu trở thành đại học lớn, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam, phấn đấu đưa thương hiệu Đại học FPT lên tầm khu vực và thế giới.
Phân hiệu Đại học FPT tại Cần Thơ sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đặc biệt là nhân lực số cho các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long.
Khẩu hiệu “Khát vọng đổi thay” của Đại học FPT cần được áp dụng vào phân hiệu này, làm sao khoảng cách giữa người nông dân và thị trường tiêu thụ gần hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự buổi lễ
Với sinh viên Đại học FPT, Thủ tướng mong muốn cần không ngừng trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, hình thành tư duy đổi mới, sáng tạo, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng mới, trở thành công dân toàn cầu mang văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn sinh viên Đại học FPT tự giác học tập, rèn luyện, tự tin sáng tạo và hội nhập, tự hào là thanh niên Việt Nam làm tốt lời dạy của Bác Hồ, xứng đáng với truyền thống cha ông. Sinh viên Đại học FPT không chỉ học để giải quyết việc làm mà phải trở thành những nhà khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, nhanh chóng nắm bắt xu thế đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa, để phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế năng lực số trong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số, phấn đấu đưa Việt Nam thành trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực số, có chất lượng cao cho khu vực và thế giới.