Đưa chỉ tiêu về trẻ em vào Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030

GD&TĐ - Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030.

Hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em.
Hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em.

Đây là một nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em, được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 23/11.

Hội nghị nhằm cụ thể hóa một nguyên tắc mới và tiến bộ được quy định trong Luật trẻ em, đó là “bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”, hướng đến phát triển toàn diện trẻ em Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hai năm Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Công tác xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, các ngành triển khai thực hiện trên các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin và tư pháp.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em để tương thích với quy định của Luật trẻ em là khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề, vụ việc về trẻ em như bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em cũng còn nhiều thách thức, hạn chế và khoảng trống. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo, điều hành về công tác trẻ em, không có văn bản chỉ đạo hoặc không chỉ đạo kịp thời, giải pháp thiếu cụ thể; Công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, định hướng xã hội về quyền trẻ em và các vấn đề, vụ việc liên quan đến trẻ em của một số cơ quan còn chưa đạt hiệu quả cao; Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục diễn biến phức tạp;…

Để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng, các vấn đề trẻ em được giải quyết một cách tích cực và bền vững, trong năm 2020 và trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị tập trung nhóm giải pháp cơ bản, trong đó: Khẩn trương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030...

“Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, mang lại phúc lớn cho dân tộc, phồn vinh cho đất nước” – Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ