Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020: Dễ hiểu, dễ thực hiện

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020: Dễ hiểu, dễ thực hiện

Bám sát thực tiễn

Bày tỏ quan điểm ủng hộ với dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) khẳng định: Dự thảo lần này đã bám sát với thực tiễn. Hầu hết những bất cập của năm trước và những ý kiến còn khác nhau của các chuyên gia cũng như các cơ sở giáo dục đại học đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Có thể nói, Ban soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe.

Theo PGS Bùi Đức Triệu, điểm nhấn của dự thảo lần này là có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh. Sự tích hợp này đã giảm đi sự trùng lặp không cần thiết ở các văn bản khác nhau, trong đó có quy định chung về đối tượng áp dụng. Những đặc thù riêng sẽ được thể hiện trong một chương hoặc một điều nào đó trong văn bản. Như vậy, các trường, thí sinh chỉ cần tìm đến Quy chế tuyển sinh 2020 (sau khi chính thức được ban hành) mà không cần phải tra cứu nhiều văn bản khác. Đó là sự tiện lợi, dễ làm, dễ thực hiện.

Cũng theo PGS Bùi Đức Triệu, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Điều đó được thể hiện ở 2 điểm: Thứ nhất, giảm các thủ tục hành chính. VD: Trước đây, với mỗi thông tư, cơ sở giáo dục đại học đều phải làm các quy trình và làm nhiều công việc khác. Nhưng nay được tích hợp trong một văn bản thì quy trình, công việc sẽ được rút ngắn và giản tiện hơn rất nhiều. Thứ hai, quyền tự chủ được thể hiện trong đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học với các điều kiện do các cơ sở tự chủ đặt ra. Đây là bước đổi mới tích cực của dự thảo Quy chế tuyển sinh này.

PGS Bùi Đức Triệu cho rằng, dự thảo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khoẻ; đặc biệt là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này là phù hợp và cần thiết. Về quy định chế tài đối với các vi phạm trong tuyển sinh, PGS Bùi Đức Triệu khẳng định: Điều này rất quan trọng và cần thiết nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong quá trình thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học. Việc đưa quy định này vào dự thảo cũng có tác động tích cực đến vấn đề tâm lý, làm cho tư duy, suy nghĩ của mọi người thay đổi; đó là chưa tính đến hành vi sẽ thay đổi.

Được biết, trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh, tổ chuyên gia nhận định: Đây là văn bản quan trọng nên được bàn thảo rất kỹ. Các thành viên trong tổ khẳng định và đánh giá cao Kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả của kỳ thi là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Tuy nhiên, nó chỉ có gí trị quan trọng khi chúng ta có bộ dữ liệu đáng tin cậy và hệ thống quản lý, xử lý dữ liệu tốt.

Chẳng hạn: Đi kèm với dữ liệu điểm thi là dữ liệu về nguyện vọng xét tuyển và hệ thống lọc ảo. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của thí sinh, các cơ sở đào tạo rất cần vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, phía Sở GD&ĐT, các trường THPT cần kiểm soát dữ liệu chính xác nếu không việc hậu kiểm sau này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thí sinh sẽ là đối tượng chịu tác động đầu tiên.

Ảnh minh họa. Ảnh: INT

Ảnh minh họa. Ảnh: INT

Ổn định, không gây xáo trộn

Nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm 2020 phải được thực hiện nghiêm túc, không được để xảy ra sơ xuất, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý: Quy chế tuyển sinh phải giữ được tính ổn định. Việc tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2… vào cùng một quy chế tuyển sinh là phù hợp nhưng sẽ có ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục đại học. Do đó cần tính đến các yếu tố tác động và phải bám sát thực tiễn.

Liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tinh thần là giữ ổn định và không gây xáo trộn cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học. Cần thống nhất quan điểm chỉ sửa, bổ sung những bất cập. Bộ trưởng cũng thống nhất phương án xây dựng Quy chế mới là tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2… Tuy nhiên, việc này phải khả thi. Mục đích của tích hợp là để mọi người không phải tra cứu nhiều văn bản khác nhau.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta cần tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn về dữ liệu học bạ và tốt nghiệp phổ thông của người học. Phải có chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh. Cùng với đó là quy định trách nhiệm của các bên liên quan nếu có sai phạm xảy ra.

5 điểm mới cần lưu ý

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.

Tiếp đó, việc tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng, ngành Giáo dục Mầm non để bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ, đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật.

Quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ hơn đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ; đặc biệt là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.

Quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học.

Cần thống nhất quan điểm chỉ sửa, bổ sung những bất cập. Thống nhất phương án xây dựng Quy chế mới là tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2… Tuy nhiên, việc này phải khả thi. Mục đích của tích hợp là để mọi người không phải tra cứu nhiều văn bản khác nhau.
                                                              Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ