Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đột phá trong cơ chế, chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - ĐBQH cho rằng, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cần quan tâm tới thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô.

Một góc đô thị Hà Nội trên đà phát triển.
Một góc đô thị Hà Nội trên đà phát triển.

Cần chính sách đặc thù

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau một thời gian thực hiện, Luật Thủ đô năm 2012 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào phát triển Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Theo đại biểu Mai, lần sửa đổi này cần quan tâm đến việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP. “Thủ đô với vai trò, vị trí trung tâm đặc biệt, dân số đông như vậy thì việc tăng lên là cần thiết. HĐND TP là cơ quan quyền lực cao nhất của TP Hà Nội và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương nên việc tăng đại biểu chuyên trách là thỏa đáng...”, đại biểu Mai chia sẻ.

Vị đại biểu này cũng lưu ý, chính sách thu hút nhân tài là một trong những chính sách vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Hà Nội cần phải có chính sách đặc thù ở lĩnh vực này.

Hiện nay, ở nhiều cơ quan, đơn vị, bộ, ngành và các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có tình trạng chảy máu chất xám. Một số người có năng lực, trình độ vì rất nhiều lý do khác nhau đã chuyển ra ngoài để có điều kiện, môi trường làm việc và cuộc sống tốt hơn.

Chính vì vậy, chính sách thu hút nhân tài tại Hà Nội được thiết kế trong Dự thảo luật phải làm sao đủ hấp dẫn để thu hút người có năng lực và phát huy được hết tâm huyết, nhiệt huyết trong mỗi người để tạo thành nguồn lực đóng góp cho Thủ đô.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) khẳng định, khoa học - công nghệ được coi là động lực then chốt, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền kinh tế tri thức, nên Luật Thủ đô cần quy định cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá về khoa học - công nghệ để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.

Đại biểu Lan đề nghị Dự thảo luật cần quy định thành phố ưu tiên hỗ trợ/miễn thuế thu nhập, miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ thương mại các công nghệ nghiên cứu từ các trường đại học.

Quỹ Đầu tư ươm tạo và khởi nghiệp sáng tạo của thành phố hỗ trợ kinh phí để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong trường đại học, hỗ trợ kinh phí hình thành các hợp tác xã trong trường học; hỗ trợ kinh phí để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của thành phố, của các trường đại học để đủ tiềm lực thực hiện các đặt hàng của thành phố.

Cần có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ từ trường đại học để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường đại học và chính quyền thành phố tạo sự phát triển bền vững.

Công tác giám sát ra sao?

Trả lời Báo GD&TĐ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nhấn mạnh, mục tiêu của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này chính là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô tương xứng với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa.

Chính vì vậy, tại Dự thảo sửa đổi lần này đã có những quy định phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội với nhiều chính sách đặc thù vượt trội. Song song với việc phân quyền mạnh mẽ, vấn đề đặt ra là việc giám sát thi hành sẽ như thế nào?

Giám sát việc thi hành luật là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Để thực hiện tốt hoạt động giám sát việc thi hành luật này, đại biểu Hà cho biết, trước tiên, cần thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả thẩm quyền và trách nhiệm giám sát của các chủ thể giám sát, gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND.

Đồng thời phát huy cao vai trò tham gia giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Theo đại biểu Hà, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của TP Hà Nội đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của luật thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện, HĐND TP Hà Nội giám sát việc thi hành luật. Cần định kỳ xem xét báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện luật.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của TP Hà Nội và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện chính sách, quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà luật này giao cho HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành.

Cần phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của nhân dân - là những người trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền các cấp. Xây dựng cơ chế tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh, đánh giá việc thực thi chính sách phân quyền của nhân dân, đảm bảo linh hoạt, thực chất...”, đại biểu Hà nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (sáng 27/11), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm để trao đổi thêm ý kiến tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật và tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ