Cần có nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô khác so với luật khác

GD&TĐ - Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, đã có những chia sẻ về việc áp dụng Luật Thủ đô.

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Nhật Nam)
Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Nhật Nam)

- Thưa ông, Điều 4 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định áp dụng Luật Thủ đô là quy định mới, chưa có trong Luật Thủ đô năm 2012. Xin ông cho biết, vì sao cần có quy định về áp dụng Luật Thủ đô?

- Ông Nguyễn Công Anh:Thứ nhất, theo quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật này quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng riêng cho Thủ đô, vì vậy cần phải có nguyên tắc để xử lý việc áp dụng các quy định của Luật Thủ đô có khác biệt so với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật về cùng một vấn đề, đặt Luật Thủ đô trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Thứ hai, từ bất cập thực tế, báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 chỉ rõ một nguyên nhân làm cho nhiều nội dung đặc thù của Luật năm 2012 bị vô hiệu, không thi hành được là do Luật không có quy định về việc áp dụng Luật Thủ đô như thế nào trong trường hợp có sự khác biệt so với quy định về cùng một vấn đề trong các luật, nghị quyết khác của Quốc hội khác đang có hiệu lực hoặc ban hành sau.

Hơn thế nữa, thực tiễn thi hành Luật Thủ đô năm 2012 còn cho thấy khá nhiều nội dung đặc thù, vượt trội trong Luật được giao cho HĐND, UBND TP Hà Nội quy định chi tiết nhưng những văn bản này của địa phương dù đã ban hành cũng không thi hành được vì có chứa các quy định khác hoặc trái với văn bản của Trung ương (Nghị định, thông tư của Bộ trưởng) có hiệu lực cao hơn quy định về cùng vấn đề.

Thứ ba, do nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa dự liệu việc áp dụng các luật, nghị quyết của Quốc hội có những nội dung đặc thù, khác biệt như Luật Thủ đô.

Vì vậy, nếu áp dụng nguyên tắc chung “Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau” (khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015) vào trường hợp Luật Thủ đô (sửa đổi) thì có thể thấy trước rào cản pháp lý lớn đối với việc thi hành Luật Thủ đô, vì có nhiều quy định đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô sẽ không được áp dụng nếu các luật ban hành sau có quy định khác về cùng vấn đề.

Do đó, cấp thiết phải có một điều khoản quy định việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong quan hệ với các luật khác, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô, nhằm khắc phục bất cập về hiệu lực thực tế và khả năng thi hành được của các quy định tại Luật Thủ đô.

- Tính mới, đặc thù và khả thi của quy định tại Điều 4 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được quy định như nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Công Anh: Khoản 1 Điều 4 quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực.

Khoản 2 Điều 4 quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật Ban hành VBQPPL, cụ thể là không đương nhiên áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nếu có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng vấn đề.

Trong trường hợp này, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô hay áp dụng quy định của Luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng luật, nghị quyết đó.

Câu hỏi đặt ra là cơ quan nào có thẩm quyền xác định và cách thức xác định áp dụng luật như thế nào để đảm bảo tính minh bạch và dễ thực hiện, dự thảo Luật hiện quy định tại Chương VI:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì cần thống nhất ý kiến với chính quyền TP Hà Nội trong việc xác định áp dụng theo Luật Thủ đô hay áp dụng theo luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật).

Đồng thời, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm: “tham gia ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến các chính sách, cơ chế đặc thù quy định tại Luật Thủ đô” (điểm d khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật).

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cơ chế phối hợp mới, đặc thù này giữa chính quyền TP Hà Nội với các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, vừa phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của VBQPPL theo Luật Ban hành VBQPPL, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, các quy định này còn có các hạn chế sau: Chưa bao quát hết các “trường hợp có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô” tại khoản 2 Điều 4, cụ thể là mới chỉ xử lý trường hợp có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô, chưa đề cập trường hợp có quy định nghĩa vụ cao hơn, chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn trong các lĩnh vực mà Thủ đô cũng rất cần áp dụng; mới chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ mà chưa quy định trách nhiệm của các chủ thể khác được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội (như: TAND tối cao, Viện KSND tối cao, đại biểu Quốc hội…) trong trường hợp có các quy định khác với Luật Thủ đô; chưa quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định cuối cùng về việc áp dụng luật trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết và chính quyền TP Hà Nội không thống nhất được ý kiến về việc áp dụng luật.

- Theo ông, để giải quyết những hạn chế nêu trên, ông đề xuất nghiên cứu hoàn thiện các điều luật như thế nào?

- Ông Nguyễn Công Anh:Để giải quyết cả 3 hạn chế nêu trên, tôi đề xuất nghiên cứu hoàn thiện Điều 4 theo hai phương án:

Thứ nhất, bổ sung 2 khoản vào Điều 4 với các nội dung:

Khoản 3 - Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có trách nhiệm rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn hay chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn so với Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì thống nhất ý kiến với chính quyền TP Hà Nội để xác định việc áp dụng luật theo Luật Thủ đô hay áp dụng theo luật, nghị quyết đó.

Khoản 4 - Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và Chính quyền Thủ đô không thống nhất được ý kiến thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, quyết định việc áp dụng luật.

Nếu theo phương án này thì không cần quy định tại khoản 2 Điều 55 về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ nữa nhưng vẫn giữ quy định về trách nhiệm của chính quyền Thủ đô tại Điều 57, khoản 5, điểm d.

Thứ 2, giữ nguyên Điều 4, bổ sung 1 điều vào Chương VI quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, nghị quyết trong việc áp dụng Luật khi có các quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Nội dung của Điều này gồm 2 khoản bổ sung tại phương án 1.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.