Tham dự có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng, Hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của các đơn vị thành viên, trực thuộc.
Mô hình chính quyền đô thị
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQGHN đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); về tổ chức chính quyền tại Hà Nội (Điều 8); về cơ cấu tổ chức của HĐND TP Hà Nội (Điều 9); phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9 và Điều 10); mô hình “thành phố trong thành phố”, cơ sở cho việc hình thành Thủ đô là một Metropolis; quản trị đô thị ở một số quốc gia và vài gợi mở góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) cho rằng, các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền. Chỉ nên phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung - không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã bởi tính chất của ủy quyền là chỉ cơ quan chủ quản mới có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc mình.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung góp ý về quy định thành phố trong thành phố. |
GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) cho rằng, vấn đề đặt ra là Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP hay không?
Nếu cần thì việc giao cho HĐND TP quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Việc giao cho HĐND TP quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.
Góp ý về quy định thành phố trực thuộc Thủ đô, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) cho rằng, cho dù thành lập thành phố trong thành phố thì thành phố đó vẫn là một chủ thể, cấp chính quyền hoàn chỉnh.
Cấp chính quyền này phải có cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Riêng tư pháp do yêu cầu của việc thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ thì bộ máy tư pháp không nên được tổ chức trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố trong thành phố.
Thu hút nhân tài cho Thủ đô
Nhất trí với các nhóm vấn đề được đề cập đến trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và mong Dự Luật sớm được thông qua, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và nên giao HĐND TP quyết định về bộ máy, số lượng biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các kiến nghị thể hiện tầm nhìn và tinh thần trách nhiệm cao. |
Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên kiến nghị làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô.
Cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng.
TS Nguyễn Anh Đức, Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, tham khảo Nghị quyết số 97/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã trao cho HĐND TPHCM quyền tự quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/10 tới sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Luật: Luật Thủ đô (sửa đổi).