“Chuẩn hóa” trong Luật Giáo dục sửa đổi

GD&TĐ - Chuẩn hóa đang trở thành một xu thế của thời đại. Ở các quốc gia phát triển, bất kỳ lĩnh vực nào của kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ... người ta đều xây dựng các bộ tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như vậy. Đó là quan điểm của GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - khi bàn về nội dung này trong Luật Giáo dục sửa đổi.

“Chuẩn hóa” trong Luật Giáo dục sửa đổi

Theo GS.TS Đinh Xuân Khoa, ở nước ta, nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định phải xây dựng nền giáo dục theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”. Yêu cầu chuẩn hóa nền giáo dục được đặt lên vị trí hàng đầu.

Còn trong chuẩn hóa nền giáo dục, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được xem là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của nền giáo dục nước nhà.

Thực hiện chuẩn hóa nền giáo dục, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về chuẩn quốc gia các cơ sở giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng các nhà trường.

Những bộ tiêu chuẩn này là cơ sở để đánh giá, xếp loại các nhà trường, nhà giáo, cán bộ quản lý hằng năm, phục vụ công tác xây dựng quy hoạch mạng lưới, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên hay chuẩn Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, một mặt phải mang tính pháp lý (đưa việc thực hiện chuẩn vào Luật Giáo dục), mặt khác phải mang tính phát triển để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với năng lực và phẩm chất của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhất là trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang hướng tới các chuẩn khu vực và quốc tế.

Vì thế, GS.TS Đinh Xuân Khoa nhận định: việc bổ sung vào khoản 2, Điều 54 của Luật Giáo dục quy định: Hiệu trưởng các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là hết sức cần thiết.

Khi yêu cầu này được bổ sung vào Luật Giáo dục sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, cũng đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện các bộ chuẩn về cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý.

Từ đó, không chỉ đối với hiệu trưởng mà đối với nhà giáo ở khoản 2 (tiêu chuẩn nhà giáo) của Điều 70 cũng nên thêm cụm từ “đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” chứ không chỉ “đạt chuẩn trình độ đào tạo”.

"Cùng với hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, giáo dục Việt Nam cần phải được phát triển theo định hướng chuẩn hóa: từ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Xu hướng phát triển này cần phải được luật hóa". - GS.TS Đinh Xuân Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ