Giàu tiềm năng…
“Đan Phượng có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm. Thế nhưng, đây chưa phải là một địa chỉ du lịch hấp dẫn…”, - bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng thừa nhận như vậy tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện Đan Phượng” vừa được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức.
Đan Phượng không rộng nhưng vùng đất này có nhiều cụm di tích văn hóa tâm linh như: Xã Hạ Mỗ là thành Ô Diên xưa với đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng hay các ngôi chùa Đôi Hồi xã Song Phượng, chùa Tân Hải xã Trung Châu, chùa Già Lê xã Hồng Hà, chùa Chổi xã Liên Hồng, đình Đại Phùng xã Đan Phượng… Đan Phượng còn là cái nôi của các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, vật truyền thống, hát chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ ở xã Hồng Hà, thổi cơm thi ở hội Dầy, hát chèo tàu ở hội Gối (Tân Hội), bơi trải ở Đồng Tháp…
Không những thế, là vùng đất có 3 con sông chảy qua: Sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ cổ nên đã bồi đắp cho Đan Phượng những bờ xôi ruộng mật, tạo thành tiềm năng để nơi đây có thể phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm.
Chẳng hạn như du lịch sinh thái cuối tuần tham quan tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái, nghỉ cuối tuần tại khu vực ven sông Đáy, ven đê sông Hồng; du lịch ẩm thực tại các điểm du lịch làng nghề ẩm thực truyền thống như nem Phùng, giò chả Tân Hội, đậu phụ Hạ Mỗ, Hồng Hà… hoặc du lịch làng nghề mộc Liên Hà, Liên Trung…
Là một huyện nằm ngay trên trục quốc lộ 32 - thuộc tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì và giàu tiềm năng là vậy nhưng theo bà Đào Thị Hồng, lượng khách du lịch đến với Đan Phượng còn hạn chế, khoảng hơn 10.000 lượt người, trong đó chỉ có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế. Và, đến nay gần như khi nhắc đến Đan Phượng du khách mới biết đến nem Phùng mà không biết đến giò chả Tân Hội, đậu phụ Hạ Mỗ, rượu nếp Bá Giang, cá kho làng chài Vạn Vĩ… Sở dĩ có thực tế đó là vì Đan Phượng chưa có những sản phẩm du lịch tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch. Các sản phẩm du lịch chưa hình thành rõ rệt, chưa thực sự phong phú, hấp dẫn để được thống kê và xác định nguồn thu rõ rệt, chỉ mới sơ khai.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn còn chưa bài bản; đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch - dịch vụ chưa đồng bộ, công tác xã hội hóa phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn còn khó khăn; nguồn vốn đầu tư riêng cho phát triển du lịch để khả dĩ hình thành các khu du lịch, điểm du lịch chưa được quan tâm. Mặt khác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thấp, tính đồng bộ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
Hiện nay, Đan Phượng có hơn 30 cơ sở lưu trú song chưa có cơ sở nào đạt hạng sao. Các loại hình dịch vụ, ăn uống nghỉ ngơi, vui chơi còn thiếu, nhỏ lẻ; hệ thống dịch vụ du lịch tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Nhất là, cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cơ sở còn thiếu; phần lớn lao động trực tiếp đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo…
“Đan Phượng vẫn ghi danh đầu ở Hà Nội về các sản phẩm nông nghiệp nhưng về phát triển du lịch thì mới là bước đầu vậy nên rất cần sự gợi mở, hiến kế của các chuyên gia, các nhà lữ hành…” - ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng cho biết.
Cần chủ động kết nối
Đoàn khảo sát làm việc tại Khu sinh thái Phoenix Garden |
Trực tiếp khảo sát điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Văn Hiến và chùa Hải Giác, điểm du lịch sinh thái vườn ươm hoa lan ở Đan Hoài - một điểm phái đoàn Triều Tiên đến thăm nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều vừa qua, hầu như các hãng lữ hành đều cảm thấy tiếc cho một vùng đất trù phú và xinh đẹp còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.
Vì vậy, theo họ, Đan Phượng hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nếu chủ động kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, các hãng đặc biệt ấn tượng với ẩm thực truyền thống của Đan Phượng là nem Phùng nhưng đều bày tỏ sự ngạc nhiên khi lần đầu được thưởng thức những đặc sản khác của vùng đất này như rượu nếp, đậu phụ và nhất là món cháo xe ở Hạ Mỗ.
Cũng từ đây, các hãng lữ hành đặt câu hỏi với lãnh đạo huyện Đan Phượng vì sao chỉ “ta biết ta” mà không xây dựng các đặc sản này thành thương hiệu để mời gọi du khách dừng chân? Riêng với khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng - The Phoenix Garden, các hãng lữ hành cho rằng, đây là một địa chỉ đỏ để du khách có thể lưu trú khi đến với Đan Phượng.
Tuy nhiên, sản phẩm dịch vụ của The Phoenix Garden chưa nhiều, thiếu chỗ lưu trú, hội trường, nhà cộng đồng cũng như nhà hàng… Băn khoăn vì chưa có điều kiện khảo sát các làng nghề của Đan Phượng, đại diện Công ty Du lịch Vietrantour còn “mách” thêm cho Đan Phượng cách quảng bá các đặc sản của địa phương bằng các clip ngắn qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram…
Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, tiềm năng du lịch ở các địa phương là rất phong phú nhưng nếu không biết cách làm thì những tiềm năng ấy sẽ mãi bị bỏ quên. Vì vậy, cũng như nhiều địa phương khác, Đan Phượng cần quản lý điểm đến, nghĩa là cần phát triển thành một nghề với một đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp; cần kết hợp hài hòa với các doanh nghiệp lữ hành để phát triển đúng sản phẩm tiêu biểu của địa phương và tương tác các sản phẩm đến khách hàng.
Đặc biệt, Đan Phượng cần tìm ra sản phẩm cốt lõi thông qua nhiều cuộc khảo sát để từ đó kết nối sản phẩm của Đan Phượng với các địa phương xung quanh. “Hanoitourist đang phát triển tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì theo trục đường 32. Vì vậy, chúng tôi rất hy vọng Đan Phượng sẽ có những bước phát triển hơn nữa về du lịch để trở thành một trong các điểm đến của tuyến du lịch này”, ông Phùng Quang Thắng gợi mở.