Du lịch Điện Biên “chuyển mình” để thích ứng

GD&TĐ - Sau một năm gần như “dậm chân tại chỗ”, du lịch Điện Biên được ví như chú gấu ngủ đông nạp đầy năng lượng, sẵn sàng cho một năm mới thích ứng và bứt phá để “bật xa” hơn…

Năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên lượng khách du lịch đến Điện Biên sụt giảm.
Năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên lượng khách du lịch đến Điện Biên sụt giảm.

Dừng nhưng không nghỉ

Theo số liệu của ngành Du lịch địa phương, ước tính lượng khách du lịch đến Điện Biên trong năm 2021 là hơn 339.000 lượt, chỉ đạt gần 40% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế gần 340 lượt, đạt 0,4%. Thay vào đó, nhiều con số triển khai thực hiện các nhiệm vụ lại gia tăng mạnh. Đơn cử như các hoạt động khảo sát tuyến, điểm du lịch đạt 150% kế hoạch; tổ chức đón các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan truyền thông tìm hiểu về Điện Biên đạt 200%; Lượng video/clip sản xuất quảng bá, giới thiệu về du lịch đạt 500%...

Theo ông Đặng Minh Phương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Điện Biên, 2021 được coi là năm du lịch “dừng nhưng không nghỉ”. “Do tình hình dịch bệnh phức tạp, không tổ chức được các sự kiện, hoạt động tập trung đông người nên doanh thu du lịch sụt giảm mạnh. Song hiệu ứng về du lịch Điện Biên lại gia tăng mãnh mẽ, nhờ khai thác hiệu quả công nghệ 4.0”, ông Phương nói.

Trong suốt một năm gần như “dậm chân tại chỗ” do ảnh hưởng của dịch bệnh, các con số chỉ tiêu về du lịch của địa phương này không có sự tăng trưởng, đa phần trong số đó là không đạt kế hoạch. Đây là thực tế không mấy bất ngờ của du lịch chung cả nước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những người làm du lịch được nghỉ ngơi.

“Chưa bao giờ thông tin, hình ảnh giới thiệu, quảng bá về con người, vùng đất Điện Biên lại xuất hiện nhiều đến thế trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội như năm vừa qua”. Đó là nhận xét mà ngành du lịch địa phương ghi nhận nhiều nhất trong năm vừa qua từ nhiều du khách, những người quan tâm đến du lịch.

Theo ông Phương, không chỉ giới hạn trên các trang thông tin điện tử truyền thống (dulichdienbien.vn, dulichtaybac.vn) như trước, hai năm nay (2020 – 2021) đơn vị đã khai thác tối đa hiệu quả trên trang fanpage “Du lịch Điện Biên - Dienbien Tourism”, “Lễ hội Hoa Ban Điện Biên” và kênh YouTube “Điện Biên Tourism”, ứng dụng Facebook marketing…

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Điện Biên, cho biết: Việc “số hóa” du lịch đã được tập trung đẩy mạnh trong năm nay. Trong đó, ngành du lịch đã sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code) trên các ấn phẩm, tài liệu, giúp du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu, chia sẻ thông tin về các chương trình, sự kiện, hoạt động du lịch.... trên điện thoại thông minh.

“Nhiều điểm đến du lịch quan trọng của địa phương đang được số hóa. Khách du lịch ở bất cứ đâu cũng có thể tìm hiểu thông tin về địa phương qua hình ảnh 3D, kèm thuyết minh của hướng dẫn viên trên Cổng Du lịch thông minh sau khi sản phẩm này hoàn thành”, ông Chì cho hay.

Tại Lễ hội Hoa Ban nhiều nét văn hóa đặc trưng của Điện Biên được phô diễn.
Tại Lễ hội Hoa Ban nhiều nét văn hóa đặc trưng của Điện Biên được phô diễn.

Làm mới “sản phẩm”

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Để mở cửa du lịch trở lại an toàn, hướng tới hồi phục trong thời gian tới, cùng với việc thắt chặt an toàn dịch bệnh, ngành sẽ tập trung vào việc xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, sự kiện hấp dẫn. Thông qua các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh cho các đơn vị lữ hành, truyền thông chuyên viết về du lịch trong cả nước (Công ty Cổ phần Du lịch và Sự kiện FLC; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội...) để quảng bá và thu hút khách du lịch.

Theo phân tích, lâu nay thị trường du lịch mà Điện Biên hướng tới chủ yếu tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Do những cách trở, bất tiện về giao thông. Tuy nhiên, đánh giá tại sự kiện khai trương và đưa vào khai thác đường bay thẳng đến TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho rằng: “Đây là “cánh cửa mở” cho du lịch địa phương, để kết nối và khai thác nhiều thị trường khách tiềm năng tại các tỉnh phía Nam”.

Đón đầu sự kiện này, ông Phương cho biết: Ngành du lịch Điện Biên đã tranh thủ thời gian “đóng cửa” để tổ chức các cuộc khảo sát, xây dựng và tạo những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn, phù hợp, khai thác được nhiều tiềm năng sẵn có tại địa phương mà trước nay còn hạn chế.

“Chúng tôi đã hoàn thành khảo sát và dự kiến sẽ cho ra mắt 2 sản phẩm du lịch rất tiềm năng là Khám phá A Pa Chải (Mường Nhé) và Trải nghiệm Tủa Chùa vào năm tới. Đây là 2 sản phẩm không mới và rất hấp dẫn đối với du khách đi theo hình thức phượt, nhưng do hạn chế về giao thông nên chưa đưa vào khai thác theo tour”, ông Phương chia sẻ.

Để có cơ sở đánh giá, xây dựng sản phẩm du lịch, năm vừa qua Điện Biên đã kết nối, mời gọi và tổ chức nhiều đoàn famtrip đến khảo sát các sản phẩm du lịch này. Theo ông Phương, sau mỗi chuyển khảo sát, đơn vị đều có ghi nhận đánh giá từ các doanh nghiệp du lịch và đa phần đều bày tỏ sự thích thú, ấn tượng, đặc biệt là với tour Khám phá Tủa Chùa.

“Nhiều du khách còn ví đây là Tây Bắc thu nhỏ, vì hội tụ nhiều nét đặc sắc của cả vùng. Ở Tủa Chùa có ruộng bậc thang không thua kém Yên Bái, hệ thống núi đá tương tự Hà Giang, khí hậu đặc trưng của Sa Pa và lòng hồ Sông Đà thì được ví như tiểu Hạ Long…”, ông Phương bộc bạch.

Đặc biệt, sức lan tỏa của các cuộc thi sáng tác Video du lịch Điện Biên do đơn vị phối hợp cùng nhiều tổ chức phát động đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Không giới hạn ở cuộc thi đơn thuần, những hình ảnh về mảnh đất, con người và nét đẹp văn hóa các dân tộc Điện Biên đã được lan truyền, quảng bá rộng rãi trên các kênh mạng xã hội.

Gần đây nhất là cuộc thi Video/clip “Điện Biên trong tôi”. Chỉ sau 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 100 tác phẩm, trong đó có gần 50 tác phẩm chất lượng được đăng tải, quảng bá rộng rãi trên 2 kênh thông tin là Fanpage và YouTube của ngành. Ngay khi vừa đăng tải, những hình ảnh này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tiếp cận và tương tác.

“Chúng tôi xem đây là những cuộc thử nghiệm, để tiến tới tổ chức các hoạt động tương tự với quy mô lớn và rộng hơn. Kết quả ghi nhận bước đầu ngoài sức tưởng tượng, những video hình ảnh đẹp, chất lượng đã nhận được sự phản hồi hết sức tích cực của cộng đồng mạng.

Nhiều chia sẻ bày tỏ sự thích thú và hứa hẹn sẽ đến Điện Biên trong thời gian sớm nhất. Điều này cho thấy, đây là biện pháp truyền thông ít tốn kém và hiệu quả nhất về du lịch Điện Biên mà lâu nay chưa tập trung khai thác”, ông Phương nói.

Dự kiến năm 2022, Điện Biên sẽ lần đầu tiên đưa vào khai thác sản phẩm du lịch có tên gọi “Theo dấu chân Đại tướng từ Pha Đin tới Điện Biên Phủ”, với điểm đến là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt tại Mường Phăng.
Dự kiến năm 2022, Điện Biên sẽ lần đầu tiên đưa vào khai thác sản phẩm du lịch có tên gọi “Theo dấu chân Đại tướng từ Pha Đin tới Điện Biên Phủ”, với điểm đến là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt tại Mường Phăng.

Sẵn sàng “bật” xa hơn

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty Hitech Tour chia sẻ: “Các chương trình famtrip ở Điện Biên tôi đã đi vài lần, nhưng lần đầu tiên đến với Tủa Chùa tôi thật sự bất ngờ. Ở đây hội tụ cả tiềm năng về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và cảnh vật thiên nhiên. Tất cả đều rất hoang sơ, cuốn hút. Đứng trước những rặng đá tai mèo ở xã Tả Phìn, tôi có cảm giác mình đang ở giữa cao nguyên đá địa chất Hà Giang”.

Để tận dụng tối đa lợi thế đường hàng không, theo ông Phương thì trọng tâm thị trường du lịch Điện Biên hướng đến trong thời gian tới sẽ là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với nhiều gói du lịch mới kéo dài từ 2 - 4 ngày, đêm.

“Chúng tôi đã lên chương trình và chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức hàng loạt các sự kiện, hoạt động du lịch sẽ diễn ra ngay từ đầu năm. Trước mắt là các sự kiện diễn ra trong tháng 3 – 4, như: Lễ hội Thành Bản Phủ; Lễ hội Hoa Ban; Trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc tại cực Tây Tổ quốc; Tết té nước dân tộc Lào” – ông Phương thông tin.

Lễ hội Hoa Ban diễn ra từ ngày 11/3 được xác định là điểm nhấn, với chuỗi các sự kiện thu hút, như: Diễu hành văn hóa đường phố, cuộc thi ảnh “Check in Điện Biên”, trình diễn trang phục các dân tộc, không gian văn hóa vùng cao, cuộc thi người đẹp hoa Ban….

Ông Phương cho rằng, sau 2 lần phải tạm hoãn, Điện Biên đã có thêm thời gian và cả tiềm lực để dồn sức cho sự kiện này. Các sự kiện nằm trong khuôn khổ dầy dặn hơn, đa dạng hơn. Không chỉ phô diễn vẻ đẹp hoa Ban, toàn bộ những nét đẹp đặc trưng nhất của Điện Biên sẽ hội tụ để quảng bá dịp này.

Mùa du lịch của Điện Biên được xác định từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 5 hàng năm. Dự kiến năm 2022, Điện Biên sẽ lần đầu tiên đưa vào khai thác sản phẩm du lịch có tên gọi “Theo dấu chân Đại tướng từ Pha Đin tới Điện Biên Phủ”, trong khoảng thời gian này.

Hiện nay, ngành du lịch địa phương đang lựa chọn giữa 2 hình thức là check in và tổ chức giải Marathon để xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh truyền thông. “Sức hấp dẫn của sản phẩm này là vừa phát huy được giá trị lịch sử lại khai thác được các nét đẹp trong văn hóa, phong cảnh Điện Biên. Khách du lịch tham gia sẽ bắt đầu hành trình từ đỉnh Đèo Pha Đin và kết thúc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên).

Dọc tuyến này có rất nhiều điểm có thể check in, như: Săn mây đỉnh đèo, khám phá hang Huổi He (Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ), đỉnh Pú Tó Cọ, hồ Pá Khoang… Với nhiều sản phẩm mới, chúng tôi tin tưởng đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất để du lịch Điện Biên sẵn sàng bật xa hơn”, ông Phương nói.

Vòng xèo đoàn kết là một trong những điểm nhấn đặc trưng của Lễ hội Hoa Ban
Vòng xèo đoàn kết là một trong những điểm nhấn đặc trưng của Lễ hội Hoa Ban

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.