Điện Biên: Phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

GD&TĐ - Nhờ triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tích cực chăm sóc, bảo vệ, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.

Người dân huyện Nậm Pồ tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Người dân huyện Nậm Pồ tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Trước đây, người dân bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn vẫn giữ thói quen sống du canh du cư, phát nương làm rẫy đã ảnh hưởng đến diện tích rừng. Từ năm 2011, dân bản đã cam kết khoán, bảo vệ 410ha rừng. Hiện, bản có 109 hộ dân, từ khi cộng đồng bản nhận được tiền khoán chi trả DVMTR, nhận thức của người dân đã thay đổi.  

Người dân bản Cò Chạy 2 đã tích cực cùng tham gia bảo vệ rừng, ký cam kết khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng được giao. Đồng thời, hàng tháng, quý, có kế hoạch phối hợp cùng với kiểm lâm địa bàn đi kiểm tra, khảo sát diện tích hiện có, đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Người dân xã Mường Pồn phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Người dân xã Mường Pồn phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Hiện nay, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên có gần 6.000ha diện tích đất có rừng. Trong đó, trên 3.500ha được hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng (DVMTR). Công tác chi trả DVMTR tại xã Mường Pồn được triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng. Hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiến hành chi trả tiền cho các đối tượng theo đúng đúng kế hoạch đề ra.

Huyện Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên là trên 149.559ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 63.404,33ha. Tỷ lệ che phủ đạt 42,4%. Tại những khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp cùng Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tăng cường tuyên truyền đến người dân chính sách chi trả DVMTR để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn”.

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Nâm Pồ cũng đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng cây phân tán. Rà soát, cắm biển báo khu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện. Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước đi vào nề nếp. Tỷ lệ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước. Người dân không những tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ thêm diện tích rừng, trồng rừng.

Năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thanh toán tiền DVMTR năm 2020 cho 136 chủ rừng với số tiền là trên 41 tỷ 400 triệu đồng.

Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai tại tỉnh Điện Biên, công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương có nhiều chuyển biến, diện tích rừng hàng năm tăng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Người dân có ý thức tham gia bảo vệ rừng, cải thiện diện tích, độ che phủ rừng.

Nhờ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Nhờ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Thông qua chính sách chi trả DVMTR giúp nâng cao công tác quản lý và bảo vệ rừng, từ đó đời sống của người dân được đảm bảo, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt”.

Theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 4/1/2021 của UBND tỉnh Điện Biên về việc điều chỉnh quy định số lần, thời gian, tỷ lệ tạm ứng tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, lưu vực Sông Đà sẽ được tạm ứng từ 1 đến 2 lần.

Tuy nhiên, do thời gian tạm ứng tiền DVMTR lần 2 năm 2021 cho các chủ rừng thuộc lưu vực Sông Đà gần với Tết cổ truyền, nên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chỉ thực hiện tạm ứng tiền 1 lần. Đơn giá tạm ứng là 400.000đồng/ha. Chi trả 100% qua tài khoản ngân hàng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng lần 1, 2 năm 2021 qua tài khoản ngân hàng cho 757 chủ rừng. Trong đó, 3 chủ rừng là tổ chức, 2 chủ rừng là tổ chức khác, 421 cộng đồng và 331 hộ gia đình. Diện tích rừng đủ điều kiện tạm ứng năm 2021 là trên 186.025ha với tổng số tiền tạm ứng là trên 74 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ