Du lịch Đà Nẵng “thở dài” vì vắng khách

GD&TĐ - Đà Nẵng đã mở cửa gần 1 tháng nhiều điểm du lịch đón khách nội địa đến tham quan trở lại. Thế nhưng, tình trạng chung là cảnh đìu hiu, quán xá “cửa đóng then cài”… vì vắng khách.

Du khách địa phương tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.
Du khách địa phương tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

“Thở dài”… chờ khách

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ ngày 1/12, tại các địa điểm du lịch như Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, cầu Tình Yêu… dù đã mở lại từ lâu và miễn phí vé tham quan cho du khách nhưng không khí vắng lặng, đìu hiu.

Rơi vào tình cảnh tương tự, ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, những ngày qua cũng chỉ có lác đác vài khách thành phố ghé tham quan. Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Trần Đình Hà – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, hơn 1 tháng qua, lượng khách ghé tham quan bảo tàng rất ít.

“Mỗi ngày chỉ có 1 - 2 khách ghé tham quan tại bảo tàng, chủ yếu là khách địa phương. Chúng tôi mở cửa để duy trì các hoạt động tại bảo tàng, bên cạnh đó vẫn đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Hy vọng dịp cuối năm và đầu năm mới 2022 sẽ khởi sắc hơn”, ông Hà thông tin.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng BQL Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho hay, từ khi mở cửa đến nay số lượng du khách đến khu danh thắng tham quan rất ít. Hiện nay, khách tham quan chủ yếu người dân trong thành phố.

Còn ở khu vực cầu Tình Yêu trước kia thu hút rất đông du khách đến chụp ảnh kỷ niệm, tuy nhiên thời điểm này chỉ có một vài du khách. Những người này ở ngoại tỉnh đến Đà Nẵng công tác và tranh thủ đến tham quan. Không có khách, các cửa hàng bán đồ lưu niệm cửa đóng then cài.

Cùng bạn đến chụp ảnh ở cầu Tình Yêu, chị Vũ Thị Thu (trú Hà Nội) cho biết: “Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần để tham quan nhưng đây là lần đầu tiên thấy các điểm du lịch nơi đây buồn đến vậy. Các điểm tham quan ở Đà Nẵng đẹp, thành phố sạch và người dân thân thiện nữa nhưng thật tiếc là dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến du lịch của thành phố”.

Vẫn đang trong tâm thế sẵn sàng

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, chủ trương của thành phố trong việc đón khách nội địa và quốc tế đến với Đà Nẵng là một tín hiệu rất lạc quan sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Lộ trình đó có thu hút được khách hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác nữa, nó sẽ phụ thuộc vào tâm lý của du khách, họ còn dè dặt với dịch bệnh, phụ thuộc vào lộ trình và khả năng trong quá trình kiểm soát dịch bệnh của thành phố. Chúng ta phải kiểm soát dịch bệnh mới nghĩ đến đón khách”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, đây là mùa thấp điểm của Đà Nẵng, thường mùa này các năm thành phố cũng ít khách, mở cửa lúc này thì Đà Nẵng có vai trò tạo đà bắt đầu các mùa du lịch tiếp theo. Thường đến mùa Giáng Sinh thì sẽ đón được khách, còn khách quốc tế thì Đà Nẵng là một trong 5 địa phương được chọn làm nơi chọn thí điểm hộ chiếu vắc-xin, tuy nhiên điểm rơi của khách thực sự mà nói của tất cả địa phương là khó.

Ngoài ra, khách quốc tế có một độ trễ khi đi du lịch, khi chúng ta bắt đầu có chủ trương đón khách thì họ phải mất vài tháng tìm hiểu trước khi đi du lịch… Chính vì vậy, không riêng gì Đà Nẵng, các địa phương chỉ mới đón được một vài đoàn thí điểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khách tại các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… “Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn đang trong tư thế sẵn sàng, lãnh đạo chính quyền cũng đã quyết tâm mở cửa du lịch, cho nên bắt đầu từ mùa Giáng Sinh năm nay, hy vọng Đà Nẵng sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn về du khách cả trong và ngoài nước”, ông Dũng đặt niềm tin.

Đến thời điểm này, ở Đà Nẵng hiện có hơn 90% doanh nghiệp chưa mở cửa, họ sẽ mở cửa theo tiến độ khôi phục của nguồn khách. “Bây giờ biến chủng mới công bố, thì ngay lập tức các nguồn khách quốc tế, hồi hương sẽ suy giảm ngay. Chính vì vậy, du lịch sẽ nhanh chóng được phục hồi bền vững nếu chúng ta phủ đầy đủ vắc-xin, có thuốc đặc trị…

Cái mong muốn của doanh nghiệp thì quá lớn, nhưng phục hồi như thế nào thì kịch bản lạc quan nhất vẫn là đến năm 2024 ngành du lịch chúng ta mới có thể quay lại như năm 2019, còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài như hiện nay thì chắc phải đến năm 2025”, ông Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ