Mở cửa phải chắc chắn an toàn
Có thể thấy, trong hơn 1 năm qua, ngành Du lịch cả nước đã gặp nhiều khó khăn nhất trong đợt dịch. Thậm chí là mất cả nguồn thu về du lịch trong thời gian dài.
Tại Đà Nẵng, năm qua, ngành Du lịch thành phố bị tổn thương khá nghiêm trọng khi vừa kích cầu du lịch thì dịch trở lại. Những lần đóng, mở cửa như vậy khiến doanh nghiệp du lịch thêm kiệt quệ.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho hay, hầu hết các khách sạn nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đóng cửa từ 4 tháng cho đến gần 2 năm nay, thiệt hại vô cùng lớn. Hầu hết các doanh nghiệp lưu trú dùng tiền vay ngân hàng để duy tu bảo dưỡng hàng ngày và trả lương nhân viên.
Theo ông Quỳnh, mỗi tháng, các doanh nghiệp lưu trú phải đối mặt với khoản tổng lỗ chung đến hàng trăm tỷ đồng. Du lịch sẽ hồi phục sau cùng, người ta phải ăn no, có khoản tiết kiệm nhất định rồi mới đi du lịch nên theo các chuyên gia phải cuối 2024 lĩnh vực này mới trở lại được như năm 2019.
Ông Quỳnh cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ nhân viên của các Doanh nghiệp lưu trú. Kinh phí hỗ trợ các trường nghề để các trường có thêm các chương trình nâng cao và gấp rút để đào tạo sinh viên của ngành Du lịch được đi làm thêm và đi làm sớm hơn…
Còn đại diện Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài cho biết, hầu hết các nhân viên của công ty đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1. Tuy nhiên, việc mở cửa hoạt động trở lại thì phải chờ công văn chính thức của thành phố ban hành và Sở Du lịch hướng dẫn rồi mới tính tiếp. Bên cạnh đó, công ty đã lên kế hoạch chi tiết để khi có văn bản thì triển khai.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khu vực, kiêm Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho hay, hệ thống khách sạn đã chuẩn bị xong các bước chuẩn bị, sẵn sàng đón du khách quay trở lại nếu thành phố cho phép.
“Điều quan trọng là sự đồng bộ trong cả nước, nếu du khách đến Đà Nẵng hoặc trở về từ Đà Nẵng mà các địa phương thực hiện việc cách ly y tế thì sẽ rất khó, tương tự như vậy ở các địa phương khác. Ngoài ra, việc mở tour du lịch trong địa bàn thành phố cho khách địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do người dân địa phương không có nhu cầu ở khách sạn. Chính vì thế phải cần sự đồng bộ từ các địa phương trong cả nước. Ví dụ: Nếu Chính phủ cho phép được đón khách nội địa là người tiêm 2 mũi vắc-xin, những F0 đã khỏi bệnh… thì sẽ có cơ hội đón khách đi du lịch sẽ cao hơn. Tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ phòng dịch”, ông Duẩn nói.
Xây dựng phương án riêng cho thị trường nội địa và quốc tế
Để giữ chân người lao động ngành Du lịch, TP đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động làm trong ngành du lịch, ưu tiên vay vốn, ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân viên khách sạn, nhà hàng, du lịch để họ có đủ điều kiện làm việc ngay khi ngành mở cửa trở lại. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã đề xuất với Chính phủ về việc liên kết với một số địa phương thực hiện chương trình “bong bóng du lịch”.
Hiện Sở Du lịch Đà Nẵng đang hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Theo đó, trong tháng 12/2021, nếu tỷ lệ công dân TP được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt 80%, TP sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người dân Đà Nẵng, với điều kiện, các cơ sở du lịch, dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch, yêu cầu người lao động của các cơ sở cũng như khách đến phải đạt tiêm đủ 2 mũi, quét mã QR, thẻ xanh…
Từ tháng 1/2022, thành phố sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ và tại các điểm vui chơi, sẽ có một số tour combo dành cho khách đi theo nhóm nhỏ. Đến quý II/2022, sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và TP Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận rằng, có 4 thách thức đặt ra khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, đó là nguồn khách hiện nay và năm 2022 xác định sẽ không nhiều. Theo thống kê, đối với khách nội địa, hiện số công dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc-xin mới chỉ có 7,3% tương ứng với 7,1 triệu người, trong đó hầu hết là người lớn tuổi, tuyến đầu, người lao động, công nhân sản xuất. Hai nhóm đối tượng này chưa có nhu cầu đi du lịch.
“Về thị trường khách quốc tế, các nước cũng chưa có chính sách mở cửa cho đi du lịch trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay cũng rất cân nhắc về thời điểm mở cửa trở lại, khi nào lượng khách đủ để bù vào chi phí thì mới có thể thực hiện. Điều kiện phòng, chống dịch, quy định thẻ xanh, quy định cách ly của các tỉnh, thành, quốc gia cũng chưa có sự thống nhất...”, bà Hạnh thông tin.