Kỳ nghỉ lễ dài ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5 là khoảng thời gian lý tưởng để Đà Nẵng vực dậy sau khoảng thời gian khó khăn. Thế nhưng, dịch quay trở lại cùng một lần “đau” cho Đà Nẵng.
Cú “đá bồi” của dịch
Trong thời gian qua, nhằm kích cầu du lịch, TP Đà Nẵng đã có nhiều quảng bá, tung ra sản phẩm du lịch đầy hấp dẫn thu hút du khách. Cụ thể là chương trình “Miền Trung – Miền di sản diệu kỳ” với sự liên kết của các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình.
Kéo theo chương trình kích cầu du lịch đó là hàng trăm khuyến mãi được các địa điểm, cơ sở du lịch đưa ra nhằm “lôi kéo” du khách. Cụ thể, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Đà Nẵng tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, miễn phí vé tham quan các di tích.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày (tương đương với năm 2020) và Sở Du lịch đã dự kiến dịp lễ này sẽ thu hút gần 130.000 lượt khách đến tham quan.
Tuy nhiên, do có xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh thành nên đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách du lịch, tạo tâm lý e ngại và có tình trạng hủy đặt dịch vụ, vì vậy tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 74,6 nghìn lượt giảm 42,4% so với dự kiến trước lễ, trong đó chủ yếu là khách nội địa.
Sở Du lịch cũng cho hay, trong dịp lễ dự kiến lượng khách nội địa do các đơn vị lữ hành khai thác ước đạt 8 nghìn lượt khách (giảm 50% so với dự kiến trước lễ).
Lượng khách giảm do tình trạng hủy đặt dịch vụ đến Đà Nẵng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 bắt đầu tăng lên sau thông tin có ca nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nam, tạo tâm lý e ngại trong người dân và du khách. Đồng thời các sự kiện, lễ hội lớn tại Đà Nẵng cũng bị tạm dừng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Cụ thể, BQL Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, dự kiến mỗi ngày nghỉ lễ sẽ đón khoảng 2.000 lượt khách. Tuy nhiên, trước làn sóng Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp, khách đến tham quan tại di tích giảm hẳn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu du lịch Sun World BaNa Hills. Theo đó, khu du lịch này dự kiến trong ngày lễ 30/4 sẽ đón hơn 10.000 lượt khách. Tuy nhiên, do lo ngại dịch đã có nhiều đoàn khách hủy tour nên số khách đến tham quan không cao như đã tính.
Ngoài việc hủy tour, một số khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng xuất hiện tình trạng khách dù đã tới Đà Nẵng nhưng thay đổi kế hoạch, trả phòng sớm hơn. Lượng khách hủy phòng, tour Đà Nẵng thông qua các công ty lữ hành giảm từ 15 - 20% trong dịp lễ.
“Thiệt hại vô cùng lớn”
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Duẩn - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho biết, trong đợt lễ vừa qua, lượng khách đặt tour phòng tại khách sạn khá đông, khoảng 80 - 90% công suất. Tuy nhiên, do lo sợ dịch bệnh du khách đã đồng loạt hủy tour. Chỉ trong vòng vài ngày, du khách đã hủy toàn bộ tour, trả phòng.
“Hiện khách sạn không còn phòng nào hoạt động vì những tour, phòng trong tháng 5 thì khách đã hủy toàn bộ. Trong tháng 6 thì vẫn chưa có khách nào đặt phòng. Dự kiến chắc chắn tình hình sẽ rất khó khăn”, ông Duẩn thông tin.
Ông Duẩn cho hay, khách sạn cũng đang thuyết phục du khách trong việc chuyển ngày tham quan du lịch. Tuy nhiên, nếu du khách không đồng ý hoặc tình hình dịch bệnh còn phức tạp thì khách sạn sẽ trả tiền lại du khách.
“Những ngày bình thường, công suất buồng phòng đạt 40 - 50%, dịp nghỉ lễ lên đến 80 - 90%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát nên tất cả đều dừng hoạt động. Thiệt hại vô cùng lớn, không thể tính được bao nhiêu tiền”, ông Duẩn chia sẻ.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, hiện sở đang khẩn trương cùng các ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
“Về giải pháp khôi phục du lịch của thành phố trong thời gian tới thì cần thời gian suy nghĩ thêm vì diễn biến dịch đang phức tạp khó lường”, bà Hạnh nói.
Việc du khách nhanh chóng hủy tour, hủy phòng khi dịch phức tạp như là một cú “đá bồi” của dịch Covid-19 vào ngành du lịch của TP và ngành du lịch trên cả nước. Bởi ngành du lịch của thành phố vốn đã chịu thiệt hại khá nặng nề do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 giờ đây lại thiệt hại nặng nề hơn.