Không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”. Theo đó, Dự thảo đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Theo Báo cáo đánh giá tác động “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” của Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo:
"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".
Theo Bộ GD&ĐT, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần phải bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.
Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026. Tuy nhiên các địa phương vẫn không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm đến ngành sư phạm. |
Cần thiết "hạ chuẩn”
Bộ GD&ĐT nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung là thiếu nguồn tuyển dụng, nguồn tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Do vậy, nếu không kịp thời tuyển dụng số giáo viên này thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên.
Tuy nhiên, những sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn: Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, Công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.
Do đó, việc tuyển dụng, hợp đồng những giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn, số lượng sinh viên đào tạo để dạy các môn học mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về cơ bản, sinh viên được đào tạo có trình độ cao đẳng các chuyên ngành này đã được trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trong các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tham gia hợp đồng giảng dạy các cơ sở giáo dục hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn đào tạo theo quy định.
Nếu được tuyển dụng, những sinh viên đạt này vẫn đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để có thể tham gia giảng dạy, giáo dục, không làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Khi tổ chức tuyển dụng, các địa phương cần thực hiện phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành dưới hình thức "thực hành" để kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển đảm bảo theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trau dồi chuyên môn để các giáo viên này sau khi được tuyển dụng tiếp tục phát triển chuyên môn trong giáo dục, dạy học, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lớp học của một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). |
Sẽ không làm phát sinh thêm biên chế
Trong quá trình xây dựng luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT cho biết cũng đánh giá tác động của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cấp mầm non và phổ thông.
Tuy nhiên, với yêu cầu thực tế khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong giai đoạn chuyển tiếp có phát sinh, cần phải bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp, bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học, đặc biệt là các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS.
Theo Bộ GD&ĐT, việc hạ chuẩn đào tạo giáo viên nêu trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai thực hiện tuyển dụng trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương.
Dự kiến khi thực hiện chính sách trên, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 giáo viên các môn học này để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về kinh phí để đào tạo nâng chuẩn giáo viên có trình độ cao đẳng lên đại học, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, mức học phí đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn 2024 – 2030 bình quân là 1,79 triệu đồng đối với trình độ đào tạo chính quy và 2,7 triệu đồng đối với trình độ vừa làm vừa học.
Bộ GD&ĐT dự kiến có 50% số giáo viên đào tạo trình độ chính quy và 50% số giáo viên đào tạo trình độ vừa học, vừa làm. Thời gian đào tạo bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần 400 tỷ đồng trong 7 năm (từ 2024 – 2030) do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại Nghị định 71.