Điểm sàn nhóm ngành đào tạo giáo viên hợp lý, khẳng định chất lượng đầu vào

GD&TĐ - Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) năm 2023 đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 17 - 19 điểm được cho là hợp lý.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2023. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2023. Ảnh: INT

Thí sinh cần căn cứ vào điểm sàn, cùng với điểm thi tốt nghiệp THPT để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển phù hợp.

Phù hợp trên nhiều phương diện

Bộ GD&ĐT ban hành quyết định điểm sàn năm 2023 đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng. Theo đó, điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm. Ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm.

Khẳng định, mức điểm sàn như trên là hợp lý, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, mức điểm này thể hiện tính ổn định trong mấy năm gần đây. Từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo giáo viên có thể xây dựng mức điểm sàn xét tuyển của trường mình (không thấp hơn điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố). Sau đó, các trường xác định mức điểm chuẩn đầu vào và thông báo thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cho đến khi hết chỉ tiêu.

Ngoài ra, từ góc nhìn đầu vào, dư luận xã hội sẽ nhìn nhận sự ổn định về chất lượng đào tạo giáo viên. “Mấy năm gần đây đầu vào ngành sư phạm giữ được ổn định và ở mức khá. Xã hội tin tưởng chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng cao, không phải là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, PGS.TS Lê Quang Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhìn nhận, đối với ngành Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất chủ yếu xét theo năng khiếu. Mức điểm sàn của những ngành này là 18 điểm. “Nếu điểm sàn dưới 6 điểm (môn văn hóa) thì khó chấp nhận. Vì vậy, tôi đồng tình với điểm sàn năm nay, tạo nên sự ổn định trong công tác tuyển sinh”, PGS.TS Lê Vinh Hưng bày tỏ và cho biết: Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tuyển sinh tương đối khả quan.

Cho rằng, mức điểm sàn năm nay đối với ngành sư phạm phù hợp trên nhiều phương diện, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, điểm sàn năm nay đảm bảo về kiến thức, trình độ được được đào tạo để trở thành giáo viên tốt - trung bình hơn 6 điểm/môn (đối với trình độ đại học). Nếu phân tích thi điểm tốt nghiệp THPT 2023 sẽ thấy, phổ điểm trên 6 thuộc mức khá so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, về mặt chất lượng, các trường có cơ hội chọn được những học sinh tốt nhất.

Thứ nữa, những năm gần đây, điểm sàn ngành đào tạo giáo viên tương đối ổn định, giúp học sinh có thể có định hướng lâu dài trong tương lai rằng: Với năng lực như vậy, mình có khả năng vào học các trường sư phạm được hay không? Ngoài ra, từ điểm sàn ngành đào tạo giáo viên năm 2023, những ngành/trường khác nhau có thể lấy điểm chuẩn đầu vào khác nhau. Do đó, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên lẫn người học.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Không để đến phút cuối mới đăng ký xét tuyển

Dự đoán mức điểm chuẩn vào ngành đào tạo giáo viên theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhìn nhận, điểm chuẩn vào các ngành sẽ không có biến động nhiều do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT tương đối ổn định. Mặc dù có một số yếu tố khiến điểm chuẩn có thể thay đổi như: Chỉ tiêu sư phạm thấp hơn so với năm ngoái, song cơ bản điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều.

Cho rằng, điểm chuẩn sẽ dao động giữa các trường, PGS.TS Lê Quang Sơn trao đổi, mức điểm chuẩn tùy theo chất lượng đào tạo, uy tín của cơ sở đào tạo. Cũng có ngành đào tạo điểm trúng tuyển từ 23 - 24 điểm/tổ hợp xét tuyển 3 môn. Tuy nhiên, có ngành chỉ 20 điểm là có thể trở sinh viên sư phạm. “Riêng với ngành sư phạm của Đại học Đà Nẵng, số lượng đăng ký xét tuyển rất cao nên dự đoán, điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái từ 0,5 - 1,5 điểm và sẽ có phân hóa giữa các ngành. Tuy nhiên, điểm chuẩn một số ngành sẽ ổn định như năm 2022”, PGS.TS Lê Quang Sơn nhận định.

Đưa ra lời khuyên với thí sinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng lưu ý, chỉ còn một tuần nữa là Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) sẽ đóng lại (17 giờ ngày 30/7). Vì thế, thời điểm này thí sinh có thể thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên Hệ thống (nếu đã lựa chọn được ngành yêu thích). Các em không nên để đến ngày cuối cùng hoặc những giây phút cuối mới thực hiện đăng ký, vì dễ xảy ra rủi ro, nghẽn mạng.

“Nếu đăng ký vào nhóm ngành đào tạo giáo viên, thí sinh cần căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trúng tuyển năm 2022, điểm sàn năm 2023 của cơ sở đào tạo giáo viên và nhớ đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường”, PGS.TS Lê Quang Sơn khuyến cáo và nhấn mạnh: Thí sinh không nên bỏ qua tiêu chí phụ.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, tùy theo đề án tuyển sinh của mỗi trường, lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm trọng số khác nhau. Do vậy, nếu thí sinh căn cứ quá nhiều vào phổ điểm, nhưng số lượng chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khác nhau giữa các trường, ngành học thì chưa chắc phổ điểm đã ảnh hưởng lớn tới điểm chuẩn.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, quan trọng là thí sinh cần nắm vững thông tin về trường, ngành mình dự định xét tuyển. Các em có thể tham khảo điểm chuẩn của những năm gần đây để làm cơ sở xem xét, đưa ra lựa chọn phù hợp.

Nhấn mạnh, thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khuyên thí sinh nên đăng ký một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro thì Hệ thống còn xét tuyển tiếp để thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các nguyện vọng khác. Các em cần lưu ý sắp xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.

Khuyên “không bỏ trứng hết vào một giỏ” nhưng PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng là không cần thiết. “Thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên Hệ thống. Các trường hợp như vậy đã đánh mất cơ hội trúng tuyển của chính mình”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Dù được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện (kể cả ngành sư phạm), các em vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên Hệ thống, nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng đã đăng ký.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.