Hào quang và bi kịch phía sau lò đào tạo thần đồng tại Trung Quốc

Hào quang và bi kịch phía sau lò đào tạo thần đồng tại Trung Quốc

4 tuổi, Ji Tingqiao có thể nhớ tên của toàn bộ xương trong cơ thể người. Ở trường tiểu học, Ji hiểu được những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc.

Tháng 9/2018, Ji Tingqiao trở thành sinh viên Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc (USTC), khi mới bước sang tuổi 15. Đây là ngôi trường được xem là “lò đào tạo thiên tài”, quy tụ nhiều thanh, thiếu niên có khả năng nổi bật.

Ngôi trường đặc biệt

Theo China Daily, 40 năm qua, các học sinh nổi bật, có khả năng thiên bẩm, đều được đào tạo tại ngôi trường Ji với chương trình giáo dục đặc biệt.

Mô hình này được các nhà khoa học danh tiếng như Lý Chính Đạo (chủ nhân giải Nobel Vật lý và giải Albert Einstein năm 1957), Dương Chấn Ninh (đồng chủ nhân Nobel Vật lý 1957) và Đinh Triệu Trung (Nobel Vật lý 1976) đề xuất khởi xướng.

Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc thành lập ngày 9/3/1978. 21 thanh niên ở Trung Quốc đã trải qua hàng nghìn cuộc bình bầu, tuyển chọn. Sau đó, họ cùng nhau góp mặt trong “Lớp học thần đồng” đầu tiên tại Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Trong số 21 sinh viên, người lớn tuổi nhất mới 16, trẻ nhất là 11. Họ được gọi là “thiếu niên biệt kích vùng đất tri thức” trong lịch sử Trung Quốc.

Mô hình giáo dục của trường Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc cho phép các thiếu niên bỏ qua một vài năm trung học. Các em bắt đầu chương trình nghiên cứu, đào tạo đại học sớm hơn bạn đồng trang lứa.

China Daily thống kê trong hơn 40 năm qua, 1.589 sinh viên tốt nghiệp USTC. Nhiều người trở thành giáo sư và nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard, Mỹ, hay cựu chủ tịch tập đoàn Công nghệ Baidu Ya-Qin Zhang.

Người cha chuẩn bị ghi lại khoảnh khắc con trai đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Người cha chuẩn bị ghi lại khoảnh khắc con trai đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Sau hơn 4 thập kỷ tồn tại, chương trình đào tạo của USTC đã thay đổi để thích nghi và hướng tới sự phát triển toàn diện của sinh viên, khai thác tối đa tiềm năng cá nhân của họ.

"Sự lựa chọn của chúng tôi không chỉ tập trung những người trẻ tuổi hoặc tài năng ở khía cạnh nào đó. Các ứng viên chú ý phát triển phẩm chất tổng thể”, Chen Yang - Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, nói với China Daily.

Cụ thể, trường loại bỏ các tiêu chí như kiểm tra IQ và thực hiện những bài đánh giá toàn diện hơn, điểm số trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, bài kiểm tra viết, bài kiểm tra tâm lý và phỏng vấn.

Ông Chen cho biết thêm: "Mục tiêu của ngôi trường không phải lựa chọn hay đào tạo thần đồng. Đây là nơi giáo dục những sinh viên tiềm năng đam mê khoa học và công nghệ”.

Ngoài ra, USTC còn cung cấp một số hoạt động ngoại khóa cho sinh viên có năng khiếu.

Những tiếng nói phản bác mô hình giáo dục thiên tài

Có những thành công nhưng mô hình đào tạo của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc gây nhiều tranh cãi.

Ning Bo (sinh ngày 28/2/1965, đến từ Cám Châu, Giang Tây) là thần đồng góp mặt trong số 21 thanh niên khóa đào tạo đầu tiên tại trường. Năm 19 tuổi, anh tốt nghiệp đại học, trở thành giảng viên trẻ nhất của trường.

Sống trong ánh hào quang và được nuôi dưỡng tài năng từ nhỏ nhưng Ning Bo trực tiếp lên tiếng phản đối, chống lại mô hình giáo dục thần đồng trên truyền hình quốc gia. Người đàn ông này buồn bã thừa nhận rằng mình là sản phẩm của thời đại.

Nếu tuổi trẻ có thể quay lại, anh sẽ không gia nhập lớp học thần đồng, không sống cuộc đời như vậy. Bản thân anh cũng nhớ lại nỗi đau khi nhận phải phản ứng tiêu cực từ dư luận.

Ngụy Vĩnh Khang, Ning Bo, Tô Lưu Dật đều là những thần đồng "gãy cánh" trên đường trưởng thành. Ảnh: Sohu.
Ngụy Vĩnh Khang, Ning Bo, Tô Lưu Dật đều là những thần đồng "gãy cánh" trên đường trưởng thành. Ảnh: Sohu.

Ngụy Vĩnh Khang (hiện nay 37 tuổi, ở Hồ Nam) từng bị cho thôi học vì ăn phải có mẹ đút. 2 tuổi, thần đồng thuộc hơn 1.000 chữ, 13 tuổi đỗ đại học. Tuy nhiên, khi rời khỏi vòng tay mẹ, Ngụy Vĩnh Khang vấp ngã vì không thể làm việc cá nhân, dù nhỏ nhất. Cuộc sống của thần đồng sinh năm 1983 lộn xộn, bừa bãi, bẩn thỉu.

Tháng 8/2003, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - nơi ban đầu tuyển thẳng Ngụy Vĩnh Khang - buộc nam sinh thôi học. Lý do được đưa ra là cậu thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân, không thích nghi với môi trường nghiên cứu.

Một trường hợp khác là Tô Lưu Dật ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cậu hoàn thành chương trình bậc tiểu học trong 2,5 ngày, học xong cấp hai sau 1,5 năm. 10 tuổi, Lưu Dật đỗ đại học nhưng sau đó phải tạm dừng vì các kỹ năng sống vẫn chưa phát triển đầy đủ.

Câu chuyện của Ning Bo, Tô Lưu Dật hay Ngụy Vĩnh Khang khiến không ít người hoài nghi về mô hình giáo dục tài năng. Xã hội đặt ra câu hỏi rằng liệu chương trình giảng dạy của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc có nuôi dưỡng sinh viên trở thành một tài năng thực sự hay biến họ thành mọt sách, không thích nghi với cuộc sống hàng ngày?

Theo zingnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ