Giải tỏa “sốc văn hóa” nơi đất khách

GD&TĐ - “Sốc văn hóa” chính là rào cản lớn cho nhiều bạn trẻ khi đi học ở nước ngoài. Vì vậy, nó cũng khiến nhiều người chọn du học tại chỗ.

Nguyễn Thùy Hương (sinh năm 1995), cựu SV Khoa Quốc tế học - Trường ĐH Hà Nội và các bạn trong chương trình trao đổi
sinh viên tại ĐH Goteborg - Thụy Điển. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thùy Hương (sinh năm 1995), cựu SV Khoa Quốc tế học - Trường ĐH Hà Nội và các bạn trong chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Goteborg - Thụy Điển. Ảnh: NVCC

“Sống sót” nơi đất khách

Trong những câu chuyện ở “trời Tây”, điều khiến các bạn du học sinh lo lắng nhất đó là chuyện “sốc văn hóa”. Đặt chân đến một đất nước với văn hóa hoàn toàn khác biệt, những thói quen lạ thường, du học sinh phải giải bài toán làm thế nào để “sống sót”. Ngoài những lỗi cư xử khiến các bạn trẻ dở khóc, dở cười thì có những bạn đã rơi vào tình trạng học hành sa sút, thậm chí trầm cảm vì không thể thích nghi.

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Phạm Nhật Huy Thông quyết tâm xin học bổng du học. Thông đạt được học bổng Irish Aid của chính phủ Ireland cấp cho công dân Việt Nam. Thế nhưng, dù du học khi đã tốt nghiệp đại học, chàng trai này vẫn mất khá nhiều thời gian cho việc hòa nhập văn hóa.

Thông chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với mình khi sống ở nước ngoài đó là rất khó kết bạn. Mỗi khi nhóm bạn ngồi với nhau cần có tiếng nói, câu chuyện chung. Còn mình, không hề có một khái niệm gì về chương trình ca nhạc, ca sĩ nổi tiếng, môn thể thao đặc trưng, hay nét văn hóa nào của nơi mình đang sống. Dù bạn bè có nói “trên trời dưới biển” thì mình không thể góp được một tiếng nói nào. Việc này ảnh hưởng đến tinh thần của mình khá nhiều, nhất là người mới xa nhà thì sốc tâm lý cũng khó tránh khỏi khi có quá ít bạn bè và luôn cảm thấy thu mình”.

Phạm Nhật Huy Thông trong thời gian du học nước ngoài. Ảnh: NVCC
Phạm Nhật Huy Thông trong thời gian du học nước ngoài. Ảnh: NVCC

Thông cho rằng: “Nếu muốn du học, trước khi lên đường, bạn có thể dành thật nhiều thời gian tìm hiểu trên mạng. Nó sẽ không khiến bạn hòa nhập ngay lập tức như một người bản xứ được, nhưng nó sẽ giúp bạn kết nối với xã hội địa phương dễ dàng hơn rất nhiều. Tìm hiểu về văn hóa ở đây không chỉ là đặc trưng người dân nơi mình học tập, sinh sống mà còn xem ẩm thực như thế nào, ngày lễ tết của họ ra sao, họ thích điều gì và không thích điều gì… Bởi không ít du học sinh chưa hiểu rõ cách sinh hoạt của người bản xứ sẽ khiến cuộc sống loay hoay như người thường xuyên mắc lỗi. Và điều đó thì có vẻ tệ hại với nhiều bạn trẻ mới xa nhà”.

Chàng trai này còn khuyên rằng, đối với nhiều người có tính cách nhút nhát, khó thích nghi với môi trường mới, hãy cân nhắc việc du học tại chỗ thay vì xách ba lô đến với vùng đất hoàn toàn xa lạ. Khi ở nhà, bạn cho rằng, chuyện hòa nhập chẳng đáng kể gì, nhưng khi chỉ có một mình và đường quay về quá khó khăn thì bạn sẽ  “thấm” với nỗi cô đơn nơi xứ người.

Nguyễn Thùy Hương (sinh năm 1995), cựu SV Khoa Quốc tế học - Trường ĐH Hà Nội cho biết: Em có cơ hội tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Goteborg - Thụy Điển trong 6 tháng. Tuy rằng du học mang lại rất nhiều trải nghiệm, nhưng không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Ở nước ngoài, “sốc văn hóa” là điều mà nhiều du học sinh Việt không tránh khỏi. Bản thân em chỉ đi 6 tháng, nhưng có thể thấy đây là vấn đề không nhỏ. Ở Thụy Điển, môi trường học tập rất hiện đại và đa dạng. Đó là sự tập trung không phải vào kiến thức mà đề cao tính tự học, tự đọc của sinh viên để vận dụng hoàn thành tốt bài tập. Vì thế, “văn hóa học” cũng có nhiều khác biệt nếu bạn không thay đổi.

Thùy Hương còn cho biết thêm, cú sốc văn hóa đầu tiên khiến cô nhớ mãi. Ở Thụy Điển, nhà vệ sinh không chia khu nam nữ. Đối với họ, điều này một phần thể hiện quyền bình đẳng giới được đề cao. Khi sang đất nước này, bạn cũng phải quen cả với “văn hóa khí hậu”. Đó là khi 21 giờ đêm, Mặt trời mùa hè chưa lặn. Còn mùa đông mới 15 giờ chiều trời đã xâm xẩm tối. Con người Thụy Điển sống hòa mình với thiên nhiên nên bạn còn có thể hái nấm trong rừng, thấy hươu, nai, nhím, sóc, thỏ chạy nhảy chứ không phải trong sở thú công viên….

Loay hoay chỉ bởi tấm… bằng?

Hiện, nhiều bạn trẻ vì e ngại một mình ở xứ người và chống đỡ với những cú sốc văn hóa mà ưu tiên chọn “du học tại chỗ”. Bạn vẫn có được tấm bằng có giá trị tương đương như bằng cấp khi du học. Tuy nhiên, bạn vẫn được sống trong môi trường quen thuộc, không phải xa người thân và điều này giúp bạn tự tin hơn.

Chị Phạm Thị Huyền (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Bản thân tôi cũng cùng con tìm hiểu trước về nền văn hóa của nước mà con có ý định du học. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có thể thích nghi được với những văn hóa khác. Thậm chí khi xa nhà, đối với chúng lại là áp lực lớn gây ra chán nản, mệt mỏi căng thẳng ảnh hưởng đến việc học. Tất nhiên không kể những bạn có sở thích thay đổi môi trường và thích các hoạt động trao đổi, giao lưu. Chính vì vậy, với mong muốn của cả gia đình là cháu có bằng quốc tế nhưng vẫn gần cha mẹ là giải pháp tối ưu.

Chị Huyền cũng cho biết thêm, du học tại chỗ sẽ giúp các bạn không phải thay đổi cuộc sống hiện tại. Đồng thời có thêm thời gian để tìm hiểu và thích nghi với môi trường mới và văn hóa nước ngoài. Ngay sau khi con kết thúc chương trình học phổ thông, cháu đã đăng ký học Quản trị kinh doanh tại trường đại học ở Việt Nam có liên kết quốc tế.

Đối với nhiều cha mẹ học sinh, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở các nước trên thế giới, lựa chọn học trong nước được cấp bằng nước ngoài vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Trần Hoài Nam (sinh viên Trường Đại học Anh quốc) đã có 1 năm du học nước ngoài. Sau đó, Nam về nước do tình hình dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp. Không muốn tiếp tục du học, Nam đã đăng ký “du học tại chỗ” để học tập ở Việt Nam mà vẫn có bằng quốc tế.

Sinh viên Trần Hoài Nam (Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam). Ảnh: Thế Đại
Sinh viên Trần Hoài Nam (Trường Đại học Anh quốc tại Việt Nam). Ảnh: Thế Đại

Trần Hoài Nam chia sẻ: Học tập chương trình quốc tế hay tại nước ngoài, các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điểm khác nhau lớn nhất là khi du học tại chỗ, các bạn sinh viên đều là người Việt Nam nên trong quá trình học tập, cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được sử dụng. Nhờ đó cũng dễ dàng hiểu nhau hơn trong quá trình trao đổi. Vì vậy, du học tại chỗ không những có ưu điểm lớn như tiết kiệm chi phí, mà còn được sống gần gũi với gia đình và bạn bè, không phải thay đổi quá nhiều về sinh hoạt hằng ngày.

Hơn nữa, không phải bằng cấp học ở nước ngoài mới “có giá”. Bởi giá trị của sinh viên không thể được đánh giá dựa trên môi trường học tập, mà phải được đánh giá dựa trên những gì sinh viên đã nắm bắt được trong quá trình học tập tại môi trường đó. Vậy thì, du học tại chỗ cũng chính là lợi thế cho mỗi người. Thêm nữa, bằng cấp được cấp sau khi tốt nghiệp thuộc diện du học tại chỗ hay du học ở nước ngoài đều có giá trị như nhau. Còn bằng cấp được xếp loại như thế nào là do sự cố gắng của người học.

Trần Hoài Nam cho biết thêm, về cơ bản, dù du học tại chỗ hay tại nước ngoài, các bạn sẽ nhận được những tấm bằng giống nhau. Tuy nhiên, khi tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước ngoài, các bạn sinh viên du học tại chỗ sẽ không có sự quen thuộc với đất nước, môi trường và văn hóa. Vậy nên nếu các bạn có mong muốn du học tại chỗ sau đó ra nước ngoài làm việc, các bạn nên cố gắng tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hóa nước ngoài ví dụ như thực tập tại các công ty đa quốc gia để tăng thêm thế mạnh cho bản thân.

Nam cho rằng, không thể phủ nhận việc du học nước ngoài là thời gian để bạn trải nghiệm cực kỳ thú vị. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ và việc làm quen với phong cách sống mới là hai trong các khó khăn mà du học sinh thường gặp phải.

“Tuy nhiên, việc làm quen với phong cách sống tại nước ngoài đã khiến mình phải dành khá nhiều thời gian loay hoay để ổn định. Do sự khác biệt lớn về ẩm thực và văn hóa giữa các nước phương Đông và phương Tây, mình đã cố gắng rất nhiều để làm quen với các yếu tố mới trong đời sống như ăn uống, đi lại, giao tiếp. Cho đến giờ, mình không hối hận vì quyết định du học tại chỗ” – Trần Hoài Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.