Du học sinh Việt trải lòng đón Tết xa quê

GD&TĐ - Nhiều du học sinh Việt Nam tranh thủ thời gian gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống... để chuẩn bị không khí đón năm mới nơi xứ người.

Du học sinh Việt Nam ở Liên bang Nga cùng nhau đón Tết. Ảnh: NVCC
Du học sinh Việt Nam ở Liên bang Nga cùng nhau đón Tết. Ảnh: NVCC

Dù Tết Nguyên đán rơi vào thời gian cao điểm của kỳ thi cuối kỳ, nhưng nhiều du học sinh Việt Nam vẫn tranh thủ thời gian gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống hay trang trí phòng trọ để chuẩn bị không khí đón năm mới nơi xứ người.

Xốn xang hoài niệm

Với mỗi người Việt ở nước ngoài, dù bận rộn công việc làm ăn hay học tập, nghiên cứu đến đâu, song cứ dịp Tết không ai bảo ai đều tranh thủ để dành một khoảng thời gian lắng lại, ưu tiên cho công việc chuẩn bị cái Tết xa xứ. Đó cũng là cách tạo ra bầu không khí ấm cúng, tươi mới cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê mà vẫn gìn giữ được truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Trần Đức Minh (19 tuổi, quê Hà Nam) từ nhỏ đã sống với ông bà ngoại. Trong kí ức tuổi thơ của em, Tết là những lần cùng gia đình sửa soạn, tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm, sửa soạn những bữa cơm đoàn viên ấm áp… Chính vì vậy, trong Minh luôn khao khát những ngày Tết đến, Xuân về để cả nhà cùng đoàn tụ. Năm 2023, em giành được học bổng toàn phần của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore) và lên đường du học. Năm nay sẽ là năm đầu tiên em ăn Tết xa quê.

Những ngày cận Tết đang đến, cứ kết thúc giờ học ở trường Đức Minh lại dành thời gian rong ruổi trên khắp các con phố, ngõ nhỏ của Singapore. Cậu sinh viên năm nhất cảm nhận được không khí Tết bắt đầu len lỏi nơi đây. Song, trong tâm trí em luôn nhớ về những kí ức, kỉ niệm ngày giáp Tết nơi quê nhà với tiết trời se lạnh kéo theo những cơn mưa phùn đặc trưng của thời tiết miền Bắc.

“Ở quê em, những người con đi làm ăn xa thời điểm này bắt đầu rậm rịch trở về quê. Nhiều gia đình bận rộn dọn dẹp làm mới nhà cửa, sắm sửa đào, quất hay có những gia đình con không về quê ăn Tết, bố mẹ lại tranh thủ kho nồi cá gửi đi để người ở xa vẫn cảm nhận được hương vị quê nhà”, Đức Minh nhớ lại.

Mặc dù đón Tết nơi xứ người, song, Minh vẫn cố gắng duy trì một số hoạt động, phong tục tập quán của người Việt. Minh cho biết, vào ngày 28 âm lịch tới, em dự kiến sẽ tham gia một số hoạt động cùng Hội Sinh viên Việt Nam ở Singapore như gói bánh chưng, tặng lì xì hay xin chữ đầu năm.

“Ngày 30 Tết Nguyên đán, theo lịch bên này em vẫn đi học. Sau khi học xong, em và bạn cùng phòng sẽ về nấu một số món ăn ngày Tết như canh măng, gói nem. Những hoạt động này giúp em và các bạn vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khi đón Tết xa nhà”, Minh trải lòng.

Năm 2024 cũng sẽ là năm đầu tiên cậu sinh viên Đỗ Trọng Phước Nguyên (18 tuổi, quê Cần Thơ) ngành Khoa học sự sống, ĐH Quốc gia Singapore (National University of Singapore) đón Tết Nguyên đán năm 2024 xa gia đình.

Phước Nguyên trải lòng: “Sau mỗi ngày từ trường trở về phòng ở, nỗi nhớ nhà, nhớ quê và đặc biệt là các hoạt động chuẩn bị cho Tết lại ùa về trong em. Nhà em chỉ có ba người, năm nay thế là chỉ có bố mẹ đón Tết cùng nhau, trong khi đó ngày Tết là dịp đoàn viên bởi vậy em càng nhớ nhà hơn. Khác với miền Bắc, miền Nam mỗi dịp Tết đến ngoài gói bánh chưng, bánh tét nhà nào cũng dạo chợ sắm sửa và chọn một cành mai để đem về đón Tết”.

Cậu sinh viên năm nhất trải lòng, mặc dù ngày Tết vào đúng thời điểm em kiểm tra cuối kỳ, nhưng em dự định sẽ tranh thủ ngày mồng Một đầu năm đi chùa thắp hương cầu may mắn, cùng bạn bè ăn những món ăn hương vị Việt Nam trên đất khách quê nhà. Đây là cách để em nhớ về quê hương, nhớ về hương vị Tết cổ truyền, cũng là cách để em nhắc nhở bản thân luôn gìn giữ, duy trì các nét đẹp văn hóa của người Việt dù ở bất kì nơi đâu.

Nguyễn Thị Hà, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) đã có 4 năm đón Tết xa quê. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Hà, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) đã có 4 năm đón Tết xa quê. Ảnh: NVCC

Những cung bậc cảm xúc

Nguyễn Thị Hà, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) đã có 4 năm đón Tết xa quê. Mỗi dịp Tết đến Xuân về những du học sinh ở Nga như Hà mang trong lòng rất nhiều cung bậc cảm xúc, những nỗi nhớ, những kí ức ngày Tết ở quê nhà lại ùa về.

Hà trải lòng: “Thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam trùng vào ngày đi học bình thường hoặc vào kỳ thi cuối kỳ của chúng em. Thời tiết ở Liên bang Nga lạnh âm vài chục độ C, tuyết rơi trắng trời. Mặc dù vậy, tinh thần và không khí háo hức chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ vẫn luôn được các du học sinh Việt Nam nâng niu gìn giữ”.

Bốn năm qua, dẫu đón Tết xa quê nhưng Hà và các bạn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để những ngày cận Tết tự gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống, quây quần bên nhau chờ đón Giao thừa, cùng nhau nhìn lại chặng đường một năm qua và dành những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới gọi điện về nhà chúc Tết và chia sẻ tình cảm với người thân. Đấy là những kỉ niệm mà em không bao giờ quên.

“Năm nay là năm cuối cùng em đón Tết xa nhà, đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới sẽ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, do đó chúng em sẽ có nhiều thời gian hơn mọi năm”, Hà chia sẻ.

Không chỉ Hà mà nhiều du học sinh Việt Nam ở Nga, thời điểm Tết đến còn tổ chức nhiều hoạt động tập thể trong đó cùng nhau đi dâng hương tại Tượng đài Bác ở Quảng trường Hồ Chí Minh, quận Akademitresky, thủ đô

Mát-xcơ-va, Liên bang Nga. Theo các cách khác nhau, những du học sinh Việt tại nước ngoài vẫn duy trì những phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống, để nhớ về ngày Tết cổ truyền Việt Nam, bằng tình yêu, niềm tự hào với quê hương, đất nước.

Hiện có khoảng gần 200 nghìn du học sinh Việt Nam học bậc THPT, đại học và sau đại học ở nước ngoài, tương đương khoảng 40 nghìn người đi học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013). Riêng số giảng viên các trường đại học và cao đẳng đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách giai đoạn 2013 - 2022 là 3.535 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.