Năm nay là năm thứ hai du học sinh Lào Xaiyathome Khounmy (lớp 37K13, sinh viên năm thứ ba, ĐH Kinh tế Đà Nẵng) ở lại ký túc xá của trường ăn Tết trong khi hầu hết SV của trường đang sửa soạn về quê đón Tết cùng gia đình.
Xaiyathome Khounmy chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình ở lại Việt Nam ăn Tết cùng bạn bè, mẹ nuôi, cô của mình. Lần trước mình đã ở lại nhà cô, gần cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) ăn Tết vào năm 2012. Tết Việt Nam rất vui và nhộn nhịp, thường hướng về giá trị truyền thống.
Mình thích nhất là không khí đón giao thừa của người Việt, cả nhà ngồi bên nhau nói chuyện rôm rả bên nồi bánh chưng xanh, bánh kẹo, hạt dưa, nói chung là rất ấn tượng và để lại những kỉ niệm khó quên trong mình”.
Ở lại Việt Nam ăn Tết, nhiều SV Lào hào hứng với không khí mua sắm những ngày cận Tết. Nhiều bạn lên kế hoạch tham quan Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận dạo phố, ngắm hoa.
Trên các nẻo đường ở Việt Nam những ngày này, nhiều bạn được hỏi cho biết rất thích hình ảnh nhà nhà quét dọn sửa soạn đón năm mới, đường phố cũng được trang hoàng lung linh hơn hẳn.
Dù mỗi năm chỉ có hai kỳ nghỉ phép vào dịp hè và dịp Tết nguyên đán, rất nhớ quê nhà, nhưng để được trải nghiệm Tết Việt, nhiều bạn SV Lào đã nhận lời mời đón Tết cùng gia đình các bạn học ở Việt Nam.
Qua trải nghiệm, nhiều bạn chia sẻ cảm nhận Tết Việt Nam rất đặc biệt và cũng có nhiều đặc điểm giống tết Lào gọi là Bunpimay vào ngày Phật đản, 13 - 16/4 dương lịch như lên chùa dâng hương, cúng Phật, trang hoàng nhà cửa, hoa tươi chỉ khác về tục lệ như tắm Phật, té nước và buộc chỉ tay cho người già, con trẻ để mừng năm mới, cầu phước.
Được ở lại Việt Nam ăn Tết cũng là dịp các bạn tìm hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của người Việt như lì xì, phóng sinh, xông đất, tảo mộ, mừng tuổi…
Khing Kham Savatmixay (đang học Cao học Quản lý giáo dục, ĐH Sư phạm) rất háo hức khi nói về tết Việt Nam. Khing thường hay tham dự giao lưu văn hóa, ẩm thực Lào - Việt, đón Tết Dương lịch tổ chức ở KTX ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa Đà Nẵng nên rất ấn tượng về ẩm thực Việt Nam.
Khing nói: “Mình nhớ nhất là lần ở lại ăn Tết cùng bạn đi chùa lễ phật, thắp hương, tảo mộ. Ở lại nhà bạn cùng ăn cơm, ăn cúng tất niên thật ngon và rất thân thiện, đầm ấm.
Mâm cỗ của Việt Nam rất đẹp gồm có mâm ngủ quả, hoa tươi, đồ ăn, đầu heo, gà vịt, canh, rau xào,... khác với Tết Lào chỉ cúng hoa quả thôi”.
Còn Ounsivixay Malyvan - SV năm thứ nhất ngành Sư phạm Hóa học - mới tới Việt Nam được 4 tháng đã nói tiếng Việt rành rọt và khi được hỏi về Tết Việt thì bạn rất mong chờ vì nghe các anh chị tự hào, vui vẻ khi kể về những lần ở lại ăn Tết Việt Nam.
Ở Lào, Ounsivixay cũng đã cùng kiều bào Việt Nam đón Tết âm lịch rất vui nên bạn quyết định ở lại cùng bạn bè đón Tết Việt Nam. Uunsivixay tâm sự: “Chắc Tết Việt Nam vui lắm vì mình nghe mấy anh chị kể nên rất háo hức.
Còn hơn tuần nữa mới tới Tết nhưng mình ra phố người dân mua sắm tấp nập, đường xá đông đúc, sạch sẽ, trang trí rất nhiều hoa. Mình dự định tới Tết sẽ đi thăm thầy cô, cùng bạn Việt Nam đi chùa, tảo mộ, ăn cúng tất niên, đón giao thừa, xem bắn pháo hoa... để hiểu biết hơn về truyền thống và văn hóa Việt Nam.
Đến khi về nước mình còn có nhiều kỉ niệm kể lại cho ba mẹ và các bạn Lào về Việt Nam nhất là lần ở lại đón Tết nguyên đán này”.
Tết cổ truyền của Việt Nam trong mắt các bạn SV Lào rất giàu giá trị truyền thống. Những kí ức về những lần ở lại ăn Tết Việt Nam đã khắc sâu trong tâm trí các bạn để lại những ấn tượng khó phai.
Như sự trông đợi và háo hức của Khing khi chia sẻ: “Mình rất yêu mến đất nước Việt Nam và đã xem là quê hương thứ hai của mình.
Những ngày này, không khí gia đình Việt thật ấm cúng, cả nhà đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Mình đang mong chờ những điều thú vị và bất ngờ sẽ đến khi ở Việt Nam ăn Tết năm nay”.