Du học sinh châu Âu đau đầu tìm nhà ở

GD&TĐ - Châu Âu là điểm đến du học hấp dẫn sinh viên quốc tế trong nhiều năm trở lại đây.

Các dự án nhà ở PBSA được du học sinh châu Âu 'săn đón'.
Các dự án nhà ở PBSA được du học sinh châu Âu 'săn đón'.

Tuy nhiên, cơ hội được học tập tại châu Âu bị hạn chế do sinh viên không tìm được nhà cho thuê trong bối cảnh các quốc gia thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Ireland trở thành điểm đến du học phổ biến nhờ nền giáo dục chất lượng cao và mức học phí hợp lý.

Đặc biệt, so với các quốc gia du học hàng đầu (gồm Australia, Canada, Vương quốc Anh và Mỹ), châu Âu vẫn là lựa chọn ưu tiên với chi phí phải chăng hơn. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà sinh viên quốc tế tại châu Âu phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt nhà ở và giá thuê nhà ngày càng tăng.

Theo phân tích năm 2024 của công ty bất động sản JLL, châu Âu thiếu khoảng 3 triệu giường dành cho sinh viên. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 200 nghìn giường trong vòng 5 năm tới. Một phần lý do là dân số sinh viên tại châu Âu dự kiến tăng trưởng 10% vào năm 2030 – 2031, với một nửa trong số đó là sinh viên quốc tế.

Các thành phố lớn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 40 thành phố đứng đầu về lượng sinh viên chiếm tới 40% tổng số giường thiếu hụt. Bên cạnh đó, chỉ có 40% giường PBSA (nhà ở xây dựng cho sinh viên) ở châu Âu được tài trợ bởi đơn vị tư nhân, phần còn lại là công cộng hoặc được trợ cấp, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sinh viên.

Tại Pháp, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi số lượng nhà cho thuê dành cho sinh viên ở Thủ đô Paris giảm mạnh, xuống 50% so với năm 2023 và giảm 73% trong vòng 3 năm. Tình trạng này khiến nhiều sinh viên phải bỏ học hoặc chuyển tới các khu vực xa xôi.

Vấn đề nhà ở không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh viên mà còn có thể tác động đến khả năng học tập và sức khỏe tinh thần của sinh viên. Căng thẳng về nhà ở có thể dẫn đến sự suy giảm khả năng tập trung vào học tập và thậm chí là bỏ học.

Một số trường đại học ở Mỹ đã áp dụng các biện pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề này, như cung cấp trợ cấp tài chính cho sinh viên hoặc cho thuê khách sạn địa phương để làm nhà ở tạm thời.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt trên diện rộng, các chuyên gia cho rằng cần có sự minh bạch hơn về thị trường và sự phối hợp giữa các cơ quan lập kế hoạch. Sự kết hợp giữa nguồn tài chính công và tư sẽ là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở cho sinh viên và hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học châu Âu trong tương lai.

Mặc dù châu Âu tiếp tục là điểm đến thu hút sinh viên quốc tế nhờ vào nền giáo dục chất lượng và chi phí hợp lý, nhưng vấn đề nhà ở sinh viên vẫn là thách thức lớn. Để duy trì sức hấp dẫn của mình, các quốc gia châu Âu cần có những biện pháp quyết liệt và sáng tạo trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở. Nếu không giải quyết được vấn đề trên, các quốc gia có thể đối mặt với tình trạng giảm sút số lượng sinh viên quốc tế trong tương lai.

Tại Ireland, tình trạng thiếu hụt nhà ở cho sinh viên trở nên nghiêm trọng hơn khi chi phí xây dựng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột quốc tế và đại dịch. Theo báo cáo từ bộ giáo dục, trung bình có ba sinh viên đăng ký cho mỗi giường trong ký túc xá trường, và những sinh viên không được sắp xếp chỗ ở sẽ phải thuê ngoài, nơi giá thuê ngày càng cao.

Theo ICEF Monitor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ