Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương. Thằng bé tỏ vẻ ngại ngần, lụng bụng:
- Mẹ vội gì, cứ để trên cây cho chín hẳn rồi cắt xuống là hơn?
- Con chưa biết nước mưa sẽ làm nhạt vị ngọt của quả. Không riêng gì đu đủ mà ổi, roi, dưa lê… nếu trảy sau trận mưa rào vị ngọt sẽ không còn đằm nữa. Mà đợt này mẹ lên thành phố, sẽ mang cho dì vài quả. Dì con thích đu đủ lắm, thích từ thuở nhỏ, nhưng phải là đu đủ ta có màu vàng khi chín và thoảng hương trong vị ngọt.
Hồi ấy, mỗi nhà tập thể của xí nghiệp được chia một khoảnh vườn phía trước, chạy thẳng ra bờ ngòi. Ngoài trồng rau theo mùa, lúc nào ông bà ngoại cũng có vài ba cây đu đủ trong vườn.
Bởi đất thịt được bồi đắp từ phù sa dòng Trà Lý nên đu đủ cao vượt, đón nắng, đón gió và thi nhau kết quả. Ngoài món đu đủ xanh xào tóp mỡ để cải thiện cuối tuần, ông ngoại vẫn dành những quả “đầu đàn” cho chín rồi “thiết đãi” cả xóm.
Ảnh: Quốc Bình |
Mẹ và các dì vô cùng khoái chí khi được vân vê những “mắt mèo” rơi ra từ bụng đu đủ rồi mang ra rắc gọn góc vườn chờ đợt cây mới nhú lên. Sau nhiệm vụ mang từng phần sang biếu hàng xóm, đứa nào đứa nấy nhanh chân trở về thưởng thức những miếng đu đủ ánh vàng, cong như con thuyền, đang chờ đợi.
Dì luôn là người thích thú với quả này hơn cả và có cách lý giải cái tên “đủ đủ là vừa” – nghĩa là sự vừa vặn cả sắc lẫn hương cùng vị trong giống đu đủ ta nay không còn mấy nữa, chứ không phải cái màu thì đậm mà hương thì chẳng thấy đâu của loại đu đủ ruột đỏ phổ biến bây giờ.
Dì không về được thì mẹ mang đu đủ lên. Đó cũng là lý do vì sao mẹ vẫn giữ giống đu đủ ta cao vút, không quá sai quả, dễ đổ vì gió lớn này, đó con!